Theo bản kết luận điều tra của CQĐT Công an TP Hải Phòng chuyển sang VKSND cùng cấp, các bị can Đoàn Văn Vươn (SN 1963), Đoàn Văn Quý (SN 1966), Đoàn Văn Sịnh (SN 1957) và Đoàn Văn Vệ (SN 1974) đều đồng phạm tội 'Giết người'; 2 bị can Phạm Thị Báu ( tức Hiền, SN 1982) - vợ ông Đoàn Văn Quý và Nguyễn Thị Thương (SN 1970) - vợ ông Đoàn Văn Vươn bị đề nghị truy tố tội danh 'Chống người thi hành công vụ'.


Luật sư Vi Văn Diện - giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - cho rằng bản kết luận của Công an TP Hải Phòng có nhiều vấn đề không thỏa đáng, cần được xem xét lại cụ thể trước khi VKSND cùng cấp truy tố.





Luật sư Vi Văn Diện cho rằng cần thay đổi tội danh truy tố đối với gia đình ông Vươn.


Theo ông Diện, liên quan đến hành vi chống trả của gia đình ông Đoàn Văn Vươn trong vụ cưỡng chế sáng ngày 05/1/2012 tại khu đầm nuôi trồng thủy sản, CQĐT cần xem xét động cơ và mục đích của ông Vươn, ông Quý và những người liên quan trong gia đình họ.


Vấn đề ở đây là ông Vươn và gia đình chỉ có mục đích ngăn chặn hành vi sai trái của UBND huyện Tiên Lãng là tổ chức lực lượng xâm phạm, cưỡng chế trái pháp luật đối với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cụ thể, gia đình ông Vươn đã bị dồn vào đường cùng khi ông đã trải qua các vòng tố tụng vẫn bị chính quyền quyết tâm sử dụng lực lượng đến cưỡng chế trái luật, hủy hoại tài sản.


“Hành vi của ông Vươn, ông Quý và những người liên quan chỉ nhằm mục đích chống trả hành vi vi phạm pháp luật trước đó của UBND huyện Tiên Lãng, vì hành vi này rõ ràng không đúng pháp luật, không được pháp luật cho phép, xâm phạm trực tiếp và đe dọa xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Vươn. Đã là hành vi trái luật thì không thể xem xét đó là “thi hành công vụ”. Pháp luật không cho phép người có thẩm quyền “thi hành công vụ trái luật”” - ông Diện phân tích.


Đối với tội danh “Giết người” được CQĐT Công an TP Hải Phòng đề nghị truy tố anh em ông Vươn, cơ quan chức năng phải xem xét quá trình ông Vươn, ông Quý đã đi hết các cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyền lợi của mình mà vẫn không có kết quả thỏa đáng. Trong khi đó, UBND huyện Tiên Lãng đã giao quyết định cưỡng chế, đoàn cưỡng chế của UBND có công an, có quân đội, có súng, vũ khí quân dụng và họ là những người được đào tạo sử dụng súng...


“Như vậy, tôi cho rằng ông Vươn, ông Quý cùng gia đình và những người liên quan bị đề nghị truy tố về tội danh “Giết người” và tội danh “Chống người thi hành công vụ” là không thỏa đáng. Nên chăng xem xét họ dưới góc nhìn khoa học pháp lý đối với người có hành vi, hành động “phòng vệ chính đáng” được quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự.


Theo luật sư Diện, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng trong trường hợp gia đình ông Vươn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'Cố ý gây thương tích' hoặc 'gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng' theo Điều 106 BLHS, hoặc tội 'Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng' theo Điều 96 BLHS. Nếu mức độ thiệt hại do hành vi
vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây ra lớn đến mức cấu thành tội phạm (nhưng không phải hai tội danh đã nêu) thì được coi là phạm tội có tình tiết giảm nhẹ (điểm c, khoản 1, Điều 46 BLHS).


Trong vụ án này, gia đình ông Vươn đang bị hành vi vi phạm của UBND huyện Tiên Lãng xâm phạm, hành vi này đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại trực tiếp. Ngoài ra, căn cứ vào cường độ của sự tấn công, vũ khí, phương tiện của UBND huyện Tiên Lãng là người thực hiện hành vi xâm hại, hoàn cảnh cũng như địa điểm xảy ra sự việc…, người bị xâm hại có thể sử dụng quyền phòng vệ để chống lại sự xâm hại
của người đó” - luật sư Vi Văn Diện nhận định.






Thủ tướng Chính phủ: Vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng sai cả luật và trái đạo lý

Sau cuộc họp chiều 10/2/2012 liên quan đến việc UBND huyện Tiên Lãng cưỡng chế khu đầm tôm của gia đình ông Vươn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng sai cả luật và trái đạo lý.

Về vấn đề giao đất, UBND huyện Tiên Lãng có 2 quyết định: Quyết định số 447 giao 21 ha cho ông Vươn, thời hạn 14 năm. Tại thời điểm đó, theo quy định của luật Đất đai 1987 là phù hợp. Nhưng quyết định số 220 năm 1997 giao bổ sung 19,4 ha đất, về thẩm quyền đúng và phù hợp thẩm quyền sử dụng đất, vì ông Vươn đã lấn chiếm thêm và sử dụng nhưng không đúng về cách thức giao, thời hạn sử dụng đất. Đây là quyết định không đúng pháp luật.

Về việc thu hồi đất, 2 quyết định thu hồi của ông Vươn đều với lý do hết thời hạn thu hồi đất, sau thu hồi giao 1 phòng của huyện và UBND xã Vinh Quang quản lý trong khi trên thực tế ông Vươn vẫn đang sử dụng diện tích đó, dù 1 phần cho người khác thuê là không hoàn toàn đúng quy định pháp luật, nhưng thực tế vẫn là dùng nuôi trồng thủy sản. Ông Vươn vẫn có nhu cầu và không có quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng khu đất đó. Vậy nên 2 quyết định thu hồi đều
sai luật.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định, thời điểm cưỡng chế, dù pháp luật không cấm nhưng về đạo lý không phù hợp khi đã sát Tết Nguyên đán.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.






Theo Dân trí







Theo nguoiduatin.vn