Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần 2 và lần 3, Nguyễn Chế Nghĩa được vua Trần phong chức đại tướng quân, được cử đi giữ các cửa ải ở Lạng Sơn 6 năm liền.


Nguyễn Chế Nghĩa lập các đồn trại dọc biên giới, tiễu trừ giặc cướp, thổ phỉ. Ông còn thành lập các đội dân binh, giúp họ khai khẩn đất đai làm ruộng để tự túc lương thực, giao cho các thổ hào tin cậy quản lý trông coi. Các đội dân binh này đã cùng quân triều đình bảo vệ vững chắc vùng biên cương.


Khi vùng biên ải được bình yên, ông được nhà vua triệu về triều ban tước Nghĩa Xuyên công và lần lượt tới các chức vụ Đô uý, Thái uý. Nguyễn Chế Nghĩa được cử đi sứ nhà Nguyên ba lần vào các năm 1302, 1321, 1331. Ông được nhà vua và triều đình quý trọng. Vua Trần gả công chúa Nguyệt Hoa cho ông và phong chức Phò mã đô uý. Nguyễn Chế Nghĩa và Nguyệt Hoa sinh được một con trai là công tử Sùng Phúc.


Nguyễn Chế Nghĩa làm quan trải qua bốn triều vua: Trần Nhân Tông (1279 - 1293), Trần Anh Tông (1293 - 1314), Trần Minh Tông (1314 - 1329) và Trần Hiến Tông (1329 - 1341). Ông lần lượt giữ chức Nhập nội thị thái uý, Thái tể Nguyễn Xuyên công, có thời gian đứng đầu ban võ, có lúc kiêm chức Lễ bộ Thượng thư.


Đến cuối đời Trần Minh Tông, triều đình nhiễu nhương, vua ham chơi bời không lo đến quốc sự, bọn gian thần nhũng loạn. Nguyễn Chế Nghĩa khuyên can vua không được bèn từ quan về nghỉ ở đất Cối Xuyên quê hương ông và ở Kiêu Kỵ là đất vua ban cho ông làm thái ấp. Tại Cối Xuyên ông giúp dân mở mang nghề nông, mở chợ Cối Xuyên, mở phường dạy võ cho thanh niên.


Tại Kiêu Kỵ, ông cũng khuyến khích nông dân mở mang đồng ruộng, phát triển nghề tằm tang, bảo vệ đê sông Hồng. Ông lập quán Ninh Kiều làm nơi nghỉ ngơi thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, nơi xướng họa thơ văn, ngoài ra ông còn khuyến khích mọi người dân trong vùng giữ thuần phong mỹ tục.


Khi vua Trần Hiến Tông mất, Trần Dụ Tông lên ngôi (1341 - 1369). Khi đã củng cố được địa vị, Dụ Tông liền trả thù ông vì là một trong ba người phản đối việc lên ngôi của vị vua này. Dụ Tông đã sai bọn võ sĩ phục kích chém chết ông ở quán Ninh Kiều, xã Kiêu Kỵ. Khi đó ông 76 tuổi.


Mặc dù vậy nhưng với công lao hiển hách và đức cao vọng trọng của ông, triều đình vẫn cử Bộ Lễ về tổ chức tang lễ theo nghi thức vương giả và phong thần cho ông là An Nghĩa đại vương. Nhân dân làng Kiêu Kỵ lập đền thờ An Nghĩa Đại vương, công chúa Nguyệt Hoa và công tử Sùng Phúc.


Luật nay: Giết người phải đền tội


Thời đó, cái chết của Nguyễn Chế Nghĩa đã không được làm rõ. Trên thực tế, lúc bấy giờ kẻ đã giết ông không bị phát giác và trừng trị thích đáng. Theo quy định của pháp luật thời nay, khi có án mạng xảy ra, cơ quan chức năng phải điều tra, làm rõ, để xử lý hung thủ.


Căn cứ vào các nội dung vụ án, hành vi sai người giết Nguyễn Chế Nghĩa của vua Trần Dụ Tông có đầy đủ dấu hiệu của tội giết người theo Điều 93 BLHS. Chỉ vì tư thù cá nhân mà sau khi lên ngôi, vua đã sai người giết chết một cận thận trung thành của triều đình.


Căn cứ theo điểm q khoản 1 hành vi đó được hiểu là giết người vì động cơ đê hèn. Đây là một trong nhưng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu bị xử lý theo điều khoản này, những người đã giết chết Nguyễn Chế Nghĩa sẽ phải đối mặt với mức án từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.


Việc xử phạt ở mức độ nào là tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của từng trường hợp, đồng thời phải cân nhắc, đánh giá nhân thân của người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó các nhà làm luật đã dự liệu trước một khoảng cách khá dài trong khung hình phạt để cơ quan xét xử tùy vào từng hành vi phạm tội cụ thể mà lượng hình cho phù hợp.


Tường Linh






Theo nguoiduatin.vn