Tái lập Ban Nội chính là hết sức cần thiết


Từng trải qua vị trí phó trưởng ban, quyền trưởng ban Nội chính Trung ương nên ông Phạm Quốc Anh, chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, rất am hiểu công tác của Ban này.






Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh


“Việc lập lại Ban Nội chính Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI là việc làm hết sức cần thiết và được dư luận đồng tình”.

Theo chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, “chức năng nhiệm vụ của Ban Nội chính lần này khác với lần trước vì được thêm chức năng rất quan trọng là tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.


Trước đây, Ban Nội chính Trung ương cũng làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nhưng nhiệm vụ này nằm trong khối công việc xử lý các vụ án. Lần này, chức năng xử lý các vụ án là nhiệm vụ riêng. Đó là hai điểm quan trọng trong chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương.


Đi kèm với đó là có một Tạp chí Nội chính riêng thay vì có Bản tin Nội chính như trước đây. Điều đó cho thấy sự quán triệt quan điểm của Đảng trong việc giải quyết công tác nội chính nhất là việc phòng chống tham nhũng và việc xử lý các vụ án.


Những điểm mới này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong những năm vừa qua khi giải thể Ban Nội chính Trung ương để thành lập ra Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và việc theo dõi xử lý các vụ án. Sự thay đổi này là cần thiết và rất quan trọng”.


Những khó khăn đối với ông Nguyễn Bá Thanh


Theo chủ tịch Phạm Quốc Anh, một thuận lợi rất lớn của Ban Nội chính Trung ương hiện nay là có Nghị quyết của Trung ương Đảng về việc lập lại Ban Nội chính trong đó có nói rõ nhiệm vụ của Ban này. Trong công tác phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dưới sự điều hành trực tiếp của Tổng Bí thư.


“Tuy nhiên, khó khăn đối với Ban này cũng nhiều bởi trong các lĩnh vực, khó khăn nhất là chống tham nhũng. Tham nhũng đã “ăn sâu, bám rễ” vào quá trình hoạt động của rất nhiều ngành. Lâu nay thế giới vẫn xếp Việt Nam là một trong những nước có công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều điểm yếu kém. Đó là khó khăn chung, tuy chúng ta có làm nhưng hiệu quả chưa cao”, chủ tịch Phạm Quốc Anh nói.


Theo chủ tịch Phạm Quốc Anh, khó khăn còn ở chỗ, chống tham nhũng là chống lại chính bản thân mình, từ chính những cán bộ của mình nên phải có một bộ máy đồng bộ với những người tham mưu rất tích cực thì mới có thể xử lý được nạn tham nhũng triệt để.


“Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tuy đã gặt hái được nhiều thành tích ở Đà Nẵng, biến Đã Nẵng trở thành thành phố phát triển mạnh mẽ bậc nhất ở miền Trung nhưng đây là trong lĩnh vực xây dựng đô thị. Khi chuyển sang đấu tranh với tự bản thân, nội bộ cán bộ đảng viên thì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Cho nên bản thân đồng chí Nguyễn Bá Thanh cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Có người đã ví đồng chí Bá Thanh như Triệu Tử Long trong Tam Quốc diễn nghĩa. Cách ví von này đúng khi đồng chí ấy công tác trong lĩnh vực xây dựng đô thị nhưng trong đấu tranh tham nhũng thì một cá nhân không thể làm được gì.


Để có kết quả cần một bộ máy với đồng tâm hiệp lực của rất đông người mà trước nhất là trong Đảng. Để tạo được sự nhất trí trong Đảng là một quá trình đấu tranh thuyết phục và muốn làm được chuyện đó, đồng chí Bá Thanh phải có bộ máy gồm các chuyên gia trước nhất là những người trong sạch, thành thạo trong lĩnh vực này để họ có thể hiểu và hiến kế trong công tác chống tham nhũng”, chủ tịch Phạm Quốc Anh nói.


Nói về mối liên hệ giữa công tác cán bộ và công tác phòng, chống tham nhũng, ông Phạm Quốc Anh cho biết: “Công tác cán bộ của Ban Nội chính bao gồm các cơ quan nội chính gồm: Tòa án, Kiểm sát, Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Công tác cán bộ chung của Đảng và Nhà nước do Ban Tổ chức Trung ương đảm nhiệm.


Tuy nhiên, vì tham nhũng liên quan đến cán bộ nên làm tốt công tác chống tham nhũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cán bộ chung của Đảng. Xử lý các vụ tiêu cực sẽ rõ được những cán bộ, Đảng viên nào liêm khiết, người nào tham nhũng.


Khi phát hiện cán bộ, Đảng viên tham nhũng thì Ban Nội chính Trung ương sẽ kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét cán bộ đó. Và hai cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong phòng, chống tham nhũng thì mới có hiệu quả”.


> Luật sư - người đồng hành tin cậy của độc giả Người đưa tin


Biên tập viên (lược thuật từ Giáo dục Việt Nam)






Theo nguoiduatin.vn