Thời đó, đứng đầu guồng máy cai trị phủ Tam Kỳ là một viên đại lý người Pháp, một tri phủ An Nam và một võ quan An Nam. Viên võ quan ấy là Trần Tuệ, được triều Nguyễn phong đề đốc, người Tam Kỳ thường gọi là Đề Tuệ. Đề Tuệ trong mắt dân lúc bấy giờ là một người tàn ác, gây ra nhiều thảm kịch cho người dân Tam Kỳ.


Những nhà nho, những thanh niên cắt tóc ngắn, học chữ Quốc ngữ, mặc áo sơ mi theo cách của cụ Phan Chu Trinh đều bị Đề Tuệ bắt và ra lệnh đánh đập. Ngày 22 tháng hai năm Mậu Thân (5/4/1908), ông Trần Thuyết lãnh đạo hàng ngàn 'đồng dân' kéo về phủ đường Tam Kỳ đấu tranh chống sưu cao thuế nặng. Nhác trông thấy bóng Đề Tuệ, Trần Thuyết lớn tiếng gọi Đề Tuệ ra trình diện nhân dân. Đề Tuệ sợ quá, trốn biệt trong phủ đường.


Tri phủ Tam Kỳ hoảng sợ, cầu cứu với viên đại lý người Pháp. Đại lý Pháp đến, tiếp xúc với Trần Thuyết và nhân dân nhưng yêu cầu đoàn người đấu tranh kháng thuế phải giải tán. Quan đại lý Pháp muốn giải vây cho Đề Tuệ, đưa Đề Tuệ đi bằng xe của mình.


Không bắt được Đề Tuệ, Trần Thuyết đứng trước đoàn người, dõng dạc hô lớn: 'Dân ta xin quan đại lý giao nộp đề đốc Trần Tuệ để dân ăn gan' (Một cách nói của người Quảng Nam, nhằm bày tỏ lòng căm phẫn sâu sắc). Nghe tiếng hô của Trần Thuyết, đoàn người bảy tổng đi đấu tranh ứng thanh đáp 'Dạ!'. Tiếng dạ của dân bảy tổng làm chính quyền thực dân phong kiến phủ Tam Kỳ run sợ. Cả lời hô và lời đáp của đoàn người khiến Đề Tuệ hãi hùng, chết ngay trên xe của đại lý Pháp. Khi viên đại lý về đến đồn
thì Đề Tuệ đã chết.


Ngay sau đó, Trần Thuyết bị bắt giam. Án văn luận tội Trần Thuyết được viết bằng Hán văn, được Tổng đốc Hồ Đắc Trung và Công sứ Charles duyệt y. Hình phạt dành cho Trần Thuyết là trảm thủ (chém đầu) theo Điều 223 bộ Hoàng Việt luật lệ.


Luật nay: Cần áp dụng biện pháp khẩn cấp để làm rõ vụ án


Trong vụ việc trên, không có chứng cứ nào để khẳng định được việc Đề Tuệ chết là do Trần Thuyết gây ra. Đề Tuệ là một võ quan làm nhiều việc sai trái, khiến cho dân chúng oán than... Việc đưa hắn ra xét xử là đúng. Tuy nhiên, hắn lại được sự giúp đỡ của viên quan đại lý Pháp nên mới được giải cứu khỏi sự bủa vây của dân chúng.


Ngay sau khi có cái chết của Đề Tuệ, cơ quan chức năng phải tiến khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân. Theo quy định tại Điều 151 BLTTHS thì việc khám nghiệm tử thi do điều tra viên tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến. Mục đích là để xác định nguyên nhân về cái chết. Nếu cái chết ấy có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng phải tiến hành khởi tố vụ án để tìm ra hung
thủ thực sự.


Việc thi hành lệnh trảm thủ đối với Trần Thuyết là một hành động áp đặt vào thời đó. Quyền lực tập trung ở tay viên đại lý người Pháp nên hắn muốn làm gì là tùy ý. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thời nay thì Trần Thuyết sẽ không bị xử như vậy. Dù sao thì cái chết của Đề Tuệ cũng có liên quan đến Trần Thuyết, vì ông đã
kêu gọi nhiều người kéo theo gây áp lực sau khi Đề Tuệ được giải thoát.


Cơ quan chức năng có thể áp dụng ngay biện pháp bắt giữ đối với Trần Thuyết để phối hợp điều tra vụ án. Điều 8 BLTTHS quy định về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp: Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp: a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần
ngăn chặn ngay việc người đó trốn; c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.


Chỉ sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng thì mới có cơ sở để buộc tội Trần Thuyết.


Tường Linh






Theo nguoiduatin.vn