80 giáo viên ở Yên Bình, Yên Bái bị đuổi khỏi biên chế nhà nước một cách tức tưởi. Trong Kỳ trước đã nêu đằng sau câu chuyện đó là gì? Kỳ này chúng tôi tiếp tục trao đổi với Chuyên gia pháp lý Lê Cao, Công ty luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng) về những vấn đề liên quan
ở khía cạnh pháp luật.


Theo ông việc đưa và nhận tiền để nhận vào biên chế được nêu tại Yên Bái có phải là hành vi trái pháp luật?


Chưa có kết luận cụ thể về hạnh vi, chủ thể, động cơ, mục đích của câu chuyện chúng ta đang bàn đến để có thể khẳng định cá nhân cụ thể nào vi phạm. Tuy nhiên, theo tôi nếu làm rõ được hành vi của người nhận tiền, người đưa tiền để “chạy việc” như các thông tin mà báo chí nêu thì các hành vi đó đã có dấu hiệu cấu thành tội “nhận hối lộ”, “đưa hối lộ”
theo các điều 279, 289 Bộ luật hình sự.



Cô giáo Hoàn đã phải chạy vạy khắp nơi lấy tiền 'lót bi' cho các quan chức các cấp ở Yên Bình để được đi dạy nhưng nay đã bị đuổi khỏi biên
chế.



Trong nhiều trường hợp như hoàn cảnh của 80 giáo viên ở Yên Bái được báo chí, truyền hình nêu tên ở trên đã bị dụ dỗ, đồng thời do hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm nên buộc phải vay mượn tiền bạc nhằm “chạy” một việc làm như vậy. Pháp luật có khoan hồng với hành vi được coi là vi phạm của họ?


Theo khoản 6 Điều 289 Bộ luật hình sự, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.


Do đó, dù đã lỡ sai lầm, lỡ “chạy” tiền cho các quan chức để có được việc làm thì tôi nghĩ, khi nếu như thực sự mạnh mẽ vào cuộc làm rõ các hành vi tham nhũng của các quan chức, thì để đảm bảo vệ những thân phận nghèo khổ cơ cực này, cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với họ theo quy định nêu trên của pháp luật.


Còn đối với những “quan tham” nhận tiền hối lộ, pháp luật quy định hình phạt như thế nào?


Theo Điều 279 Bộ luật hình sự thì, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các
tội về tham nhũng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên thì có thể bị tù chung thân hoặc tử hình.


Theo ông việc 'chạy công chức' là do đâu?


Thực ra vụ mua bán cái hợp đồng làm việc hay một suất biên chế đi dạy học như ở Yên Bình rõ ràng không hiếm ở nước ta hiện nay. Người ta chỉ mới lôi ra được một vài vụ và ở một vài nơi thôi chứ chuyện chạy việc để được đi dạy học, chạy để vào bệnh viện, vào ngân hàng, vào các cơ quan công quyền ... đang diễn ra hàng ngày.


Làm cô giáo mầm non mất năm chục triệu thì người dân có quyền mất lòng tin. Cô giáo mầm non thì là quan, là chức gì đâu nhưng vẫn có người mua kẻ bán, thì tôi nghĩ các chức vị khác cũng sẽ được mua bán là ... bình thường ở ta hiện nay. Hành vi “bán” một việc làm, “bán” một chức vị như thế là một trong những hành vi tham nhũng được nêu trong Luật phòng, chống tham nhũng.


Có thông tin cho rằng nhiều trường hợp, cán bộ công chức vi phạm bị kỷ luật lại được cân nhắc nắm giữ chức vụ cao hơn, vì sao thưa ông?


Cùng liên quan đến thông tin về việc ở Yên Bình, báo chí nêu hàng loạt quan chức được thăng tiến mạnh sau khi bị kỹ luật là một biểu hiện rất bi hài trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Người dân có thể nghi ngờ rằng có hay không việc kỷ luật cán bộ là thật? Hay việc kỷ luật chỉ là sự đánh động để các quan chức này biết động mà “chạy” mạnh tay, mạnh quá thì được cất nhắc lên vị trí khác ... cao hơn để che mắt dân thường...


Tôi nghĩ, nếu những vấn đề này được làm rõ, xác minh rõ ràng thì đó là biểu hiện rất không bình thường của hiện trạng tham nhũng nhưng thực tế lại rất ... bình thường trong xã hội ta.


Vì sao ông cho rằng 'tham nhũng là bình thường'?


Theo chỉ số nhận thức tham nhũng 2012 (CPI) vừa được Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố vừa qua, Việt Nam chúng ta đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ được tính xếp hạng. Tổ chức Minh bạch quốc tế cũng cho rằng nguyên nhân khiến cho các nước có vị trí thấp trong đánh giá về tham nhũng thường đến từ việc các chính trị gia thiếu đạo đức, thiếu tầng lớp lãnh đạo có trách nhiệm và không có một thể chế công hiệu quả.


Rõ ràng tham nhũng không tự nhiên có, do đó cũng sẽ không tự nhiên mất đi. Một thể chế minh bạch, hiệu quả, một nền chính trị trong sạch là điều tối quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào chứ không chỉ ở Việt Nam. Chỉ có như vậy, và phải như vậy thì những câu chuyện đau lòng như việc ở Yên Bình mới dừng lại.


Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


Theo VietQ






Theo nguoiduatin.vn