Có những vụ án xuất phát chỉ vì một cái nhìn, một tiếng nẹt pô, hoặc một câu chửi buột mồm... Trên thực tế cũng chưa ai tìm hiểu căn nguyên sâu xa của vấn đề này.


Điển hình cho trường hợp vì một ánh mắt nhìn đểu mà dẫn đến kết cục bi thảm là vụ án mạng xảy ra tại trường đại học Kinh doanh & Công nghệ (Hà Nội) xảy ra trong những tháng cuối năm 2012 vừa qua.


Xét về môi trường thì đây là môi trường giáo dục, về độ tuổi thì là những sinh viên đã đủ tuổi trưởng thành, về tương lai rõ ràng là đang mở rộng. Thế nhưng, vì sao tội ác vẫn xảy ra? Ai cũng hiểu rằng, sau này, trong phần xác định nguyên nhân của cơ quan chức năng, cũng phải xuất phát từ thực tế trên để kết luận. Nhưng sâu xa trong bản chất của tội ác này là gì? Không mấy ai có thời gian để tìm hiểu và có thể
trả lời rõ ràng. Bởi pháp luật chỉ căn cứ vào tình tiết pháp lý.






Luật sư Hoàng Ngọc Biên.


Luật sư Hoàng Ngọc Biên - trưởng văn phòng luật sư Cát Tường (Hà Nội) cho rằng: 'Thực tế có những mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài, dẫn đến kết thúc bằng tội ác. Đó là điều có thể hiểu được. Song những mâu thuẫn bộc phát, tức thời dẫn đến tội ác thì không dễ gì lý giải.


Một sinh viên hiền lành, hay ngỗ ngược, thì trước khi nhuốm máu tội ác, họ vẫn là người đang được kỳ vọng phát triển. Nếu xét về mặt tội phạm học, thì những tội ác không có tính mục đích, mà chỉ xuất phát tức thời, vì một nguyên nhân tức thời, cần được tìm hiểu cặn kẽ để mà phân tích, mổ xẻ. Bởi nó có thể góp phần phòng ngừa cái ác ở những khu vực không ai ngờ đến'.


Còn ông La Đức Cương - giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I từng nói, liên quan đến bệnh tâm thần có đến hơn 300 mã bệnh. Người bình thường lâu nay chỉ nghĩ đơn giản là bị điên thì gọi là tâm thần.


Thực tế không phải như thế, các mã bệnh này rất đa dạng, liệt kê ra dưới dạng danh sách thì là hàng loạt. Ngay như việc căng thẳng, stress, lo âu, rối loạn cảm xúc... cũng là một dạng bệnh lý cần xem xét. Đây phải chăng cũng là một góc tiếp cận khác, hòng lý giải cho những tội ác, các vụ phạm pháp hình sự dưới góc nhìn y học.


Bởi trên thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng, một xã hội càng phát triển thì con người càng cần được chăm sóc trên nhiều phương diện. Đặc biệt là việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần, nhằm có sức đề kháng đối với những áp lực và hoá giải nó. Trước khi nó biến thành những xung lực, tạo ra phản ứng dây chuyền dẫn đến hành vi phạm pháp. Trên thực tế, vấn đề này không phải không có cơ sở.


Nói như luật sư Hoàng Ngọc Biên, tội ác không có tính mục đích xảy còn đáng lo ngại hơn, bởi người ta không thể biết mà lường trước. Ở một góc độ nào đó, thực tiễn đã chứng minh, các vấn đề xã hội có thể đặt ra trước để phòng ngừa. Song cũng có không ít vấn đề, nhà quản lý, nhà khoa học đều đi theo sau với thực tiễn của phát triển xã hội kể cả ở mặt tích cực và mặt tiêu cực.


Do đó, dù có tính dự báo, hay không có tính dự báo thì một vấn đề tồn tại trong xã hội, xảy ra có hệ thống, thì cần phải có nghiên cứu một cách khoa học để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nó.


Đông Phương






Theo nguoiduatin.vn