Theo sử cũ truyền lại: 'Vua Đinh Tiên Hoàng muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong chuồng cũi, hạ lệnh rằng: 'Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn thịt' (Đại Việt sử ký toàn thư). Trong Đại Việt sử ký toàn thư, có đoạn viết: 'Tiên Hoàng Đế ban hành nhiều luật lệ rất khắt khe. Ngài đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ trong vườn, dựng cột đồng nung đỏ để trừng trị những kẻ gian ác và phản bội'.


Các triều đại sau thời Đinh (968 - 980) dù khi khép tội tử hình, có những cách xử khác nhau như lăng trì, giảo (thắt cổ), trảm (chém đầu), khiêu (chém bêu đầu) hay dùng thuốc độc... nhưng xét ra, biện pháp xử án dùng 'hổ dữ, vạc dầu' như nói ở trên xét về tình rõ ràng bất hợp lý.


Nhưng đặt trong bối cảnh lịch sử nước Đại Cồ Việt thế kỷ thứ X, mới thấy được cái lý trong quy định của Đinh Tiên Hoàng. Nước có nền tự chủ chưa được bao lâu, loạn 12 sứ quân vừa vãn hồi, ắt trong nhân gian vẫn còn nơi này, nơi khác có mầm mống phản loạn. Chứng thực về sau có nhiều vụ như phò mã Ngô Nhật Khánh làm phản, hay Chi hậu nội nhân Đỗ Thích ám sát vua... mới thấy mầm phản loạn còn rất nhiều.


Trong khi đó, quan chuyên về võ phần nhiều, thi cử chọn người tài chưa có, việc chế định luật pháp bởi thế cũng chưa thể thực hiện. Để dựng nước, yên dân, diệt mầm loạn đảng, bớt việc sai trái, vua mới cho đúc vạc lớn, nấu dầu sôi giữa sân điện, lại bắt hổ dữ cho vào chuồng cũi mà dọa kẻ nào manh tâm làm chuyện trái nghịch.


Trong lịch sử Trung Quốc xưa kia, có nhiều vị vua cũng đã từng dùng những biện pháp mạnh để xét xử, khiến người đời khiếp sợ. Điển hình là Trụ Vương nhà Thương để vui lòng Đắc Kỷ đã định ra kiểu xét xử 'sái bồn' bằng cách đào hố sâu, bỏ rắn độc vào, lột y phục người bị tội xô xuống cho rắn cắn chết, rồi hình phạt 'bào lạc' dùng chiếc cột đồng rỗng ruột đốt lửa đỏ cho nóng rồi gí vào nạn nhân cho thịt da cháy khét mà chết trong đau đớn.


Tần Thuỷ Hoàng (259 trước công nguyên - 210 trước công nguyên) cũng ưa hình pháp, chôn sống người phạm tội, lại kẻ nào bất đồng chính kiến, cho bỏ luôn vào vạc dầu sôi suốt mấy ngày đêm làm bao nhiêu quan thần phải bỏ mạng...


Vua Đinh Tiên Hoàng trong một chừng mực nào đó không thể không bị ảnh hưởng bởi những tiền lệ đã có mà áp dụng cho triều đình của mình. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, dù là biện pháp mạnh, thậm chí có phần tàn khốc, nhưng trong sử sách tự cổ chí kim chưa từng ghi nhận trường hợp nào phạm trọng tội mà bị Đinh Tiên Hoàng bỏ cho hổ xé xác phanh thây, hay phải chịu nghiệp luộc chín trong vạc dầu sôi đỏ lửa.


Ngay lời trích dẫn của Đại Việt sử ký toàn thư có viết: 'Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm', đủ cho chúng ta thấy biện pháp của Đinh Tiên Hoàng chủ yếu là ngăn ngừa hơn là thực thi. Như vậy, dẫu hổ dữ có nuôi, vạc dầu có đỏ lửa, nhưng vua Đinh Tiên Hoàng đặt ra chỉ là để khuyên răn những kẻ có dã tâm phạm tội nhìn thấy mà khiếp sợ, hơn là hiện thực hóa hình phạt.


Luật nay: Nuôi hổ dữ là vi phạm pháp luật


Mặc dù việc vua Đinh Tiên Hoàng nuôi hổ để xử án có tác dụng đáng kể giúp sơn hà xã tắc trong buổi đầu được yên ổn, nhưng việc xử án không dựa vào văn bản, chế tài nhất định của thời Đinh đôi khi sẽ có tác dụng ngược. Với việc xử án theo cảm tính, thì khi vua đang có tâm trạng vui vẻ, ắt xử án khoan dung, độ lượng. Còn đấng quân vương mà đương cơn nóng giận, nổi trận lôi đình, thì việc không cũng thành có, ít thành nhiều, mà đúng thành sai là điều không thể không tránh khỏi, thế mới có câu
nói: 'Làm bạn với vua như chơi với hổ'.


Điều 10 của Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định này thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật;


Tang vật vi phạm, vật chứng là thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng được quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự và quy định sau: Thực vật, động vật sống tạm giữ trong quá trình xử lý phải được chăm sóc, cứu hộ phù hợp và bảo đảm các điều kiện về an toàn; Thực vật, động vật sống tạm giữ được cơ quan kiểm dịch
xác nhận là bị bệnh có nguy cơ gây thành dịch phải tiêu huỷ ngay theo các quy định hiện hành của pháp luật.


Chiếu theo quy định trên, việc vua Đinh Tiên Hoàng nuôi hổ để xử án, thời nay sẽ bị xem là hành vi phạm pháp.


Tường Linh






Theo nguoiduatin.vn