> Quý vị luật sư viết bài, bày tỏ ý kiến xây dựng và hoàn thiện pháp luật vui lòng gửi về mail: luatsu@nguoiduatin.vn


Xem xét các quy định pháp luật thì thấy rằng, tại Bộ luật tố tụng hình sự quy định ở Điều 18: Xét xử công khai như sau: 'Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.



Cánh sát tư pháp và chó nghiệp vụ canh gác cẩn mật cổng tòa án tỉnh Hà Giang vụ hiệu trưởng mua dâm cách đây không lâu. Ảnh: Dân Việt


Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.


Theo Bộ luật Tố tụng dân sự ở Điều 15 về xét xử công khai quy định:


1. Việc xét xử vụ án dân sự của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.


2. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.


Luật tố tụng hành chính quy định: Điều 17. Xét xử công khai


Việc xét xử vụ án hành chính được tiến hành công khai. Trường hợp cần giữ bí mật nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.


Quy định pháp luật là thế, nhưng thực tế bấy lâu nay người dân luôn bị những người bảo vệ cổng tòa án, lực lượng công an dẫn giải tội phạm giữ gìn trật tự phiên tòa, ngăn cản không cho vào trong sân tòa, không cho tham dự phiên tòa. Quyền tham dự phiên tòa công khai của người dân đã bị xâm phạm thô bạo.






Không chỉ thân nhân bị cáo, luật sư và nhà báo cũng bị bảo vệ tòa án và cảnh sát ngăn chặn ở cổng tòa án.


Đây là hiện tượng hết sức phổ biến xảy ra ở hầu hết các tòa án, chánh án tòa án nhân dân các cấp biết rất rõ nhưng bỏ mặc không có biện pháp xử lý.


'Lý lẽ' của những người bảo vệ cổng tòa án, lực lượng công an dẫn giải tội phạm giữ gìn trật tự phiên tòa, ngăn cản người dân tham dự phiên tòa thường là để giữ gìn an ninh trật tự phiên tòa. Đây là bao biện không thể chấp nhận được. Trách nhiệm của những lực lượng này là giữ an ninh trật tự, nhưng việc họ thực hiện công việc không được tước bỏ đi quyền của công dân đã được pháp luật quy định.


Không thể vì sự yếu kém của họ mà đòi buộc người khác phải hy sinh quyền công dân.


Quy định phiên tòa xét xử công khai để bất cứ người dân nào cũng có quyền tham dự, đây là một phương thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sinh động, quan trọng.


Rất nhiều người dân có con em là các bị cáo trong vụ án hình sự, nhưng không được tham dự phiên tòa để xem tòa án xét xử như thế nào, rất nhiều người dân đành phải đứng ngoài cổng tòa án nhòm ngó vào trong, không biết rằng họ đã bị tước đoạt quyền tham dự phiên tòa.






Luật sư Trần Đình Triển bị cảnh sát ngăn chặn không cho vào tòa ở vụ án hiệu trưởng mua dâm học sinh.


Điều này có thể thấy hàng ngày ở các phiên tòa xét xử tại TAND thành phố Hà Nội.


Một khách hàng của tôi kể rằng, tháng 9/2012 để được bảo vệ cho vào tham dự phiên tòa xử con em họ tại TAND thành phố Hà Nội, họ đã phải lót tay cho bảo vệ tòa án 1,5 triệu đồng để cho 4 người gồm bố, mẹ, chị gái và anh rể được qua cổng tòa án, họ bị yêu cầu không được vào phòng xử mà chỉ đứng ngoài hành lang nghe và nhìn vào phiên tòa xét xử.


Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định)


Bài nhiều người đọc của luật sư Ngô Ngọc Trai:


> Khi bắt tạm giam trở thành 'truy bức nhục hình'


Bài đọc nhiều trên chuyên mục Luật sư:


> Ông Nguyễn Bá Thanh: 'Tôi nói được là làm được'


> Luật sư - Tin tức hấp dẫn, thiết thực cho cộng đồng người dùng internet Việt Nam






Theo nguoiduatin.vn