Dùng từ 'cướp' có vẻ hơi quá đối với Trần Thái Tông, vì bản thân nhà vua không hề muốn thế, nhưng sự thật vẫn là: Thái Tông đã lấy người chị dâu làm vợ mình trong nỗi hận của anh trai, và người chị dâu ấy đang mang trong mình giọt máu của người anh. Có điều, cái việc đoạt vợ ấy, nhà vua làm dưới sức ép của ông chú họ chuyên quyền Trần Thủ Độ.


Thái Tông Trần Cảnh là một cậu bé bị người lớn đặt lên ngai vàng sau khi 'chơi trò vợ chồng' với một cô bé cùng lứa tuổi - Lý Chiêu Hoàng, bậc đế vương cuối cùng của dòng họ Lý, người đã bị ép nhường ngôi cho chồng. Họ sống với nhau 12 năm mà vẫn chưa có con.


Để giữ vững cơ đồ cho dòng họ, thái sư Trần Thủ Độ ép Thái Tông phế truất hoàng hậu Chiêu Thánh, giáng làm công chúa, và đón phu nhân của Phụng Kiền vương Trần Liễu, anh ruột nhà vua, vốn đang mang thai, về làm hoàng hậu. Vợ Trần Liễu chính là công chúa Thuận Thiên, chị ruột của Chiêu Thánh, con gái Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung.


Công chúa Thuận Thiên vốn được gả cho Trần Liễu từ hồi Lý Huệ Tông còn tại vị, do hoàng hậu Trần Thị Dung, mẹ vợ và cũng là cô ruột ông, muốn củng cố thêm vây cánh họ Trần. Nhờ thế, Trần Liễu được vua Lý phong là Phò mã đô úy, tước Phụng Kiền vương, ban cho đất A Sào (nay thuộc Quỳnh Phụ, Thái Bình) làm đất ăn lộc. Trước khi bị ép lấy em chồng làm... chồng, công chúa Thuận Thiên đã kịp sinh cho Trần Liễu một con trai là Trần Doãn, sau được phong tước Vũ Thành vương.


Vậy đứa con trong bụng mà Thuận Thiên mang theo sang nhà chồng mới, bị (hay là được) Trần Thái Tông chiếm làm con ấy là ai? Người con đó với danh phận hoàng tử cả liệu có được nối ngôi, có được vua Trần yêu quý?


Cậu bé con của Trần Liễu do bà Thuận Thiên sinh ra khi đã là hoàng hậu của Thái Tông được đặt tên là Trần Quốc Khang, tước phong là Tĩnh Quốc vương. Sau ông, hoàng hậu Thuận Thiên sinh cho vua Trần hai vị hoàng tử nữa là Trần Hoảng và Trần Quang Khải. Sau này, Thái Tông truyền ngôi cho Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông).


Trần Quốc Khang mang danh hoàng tử cả mà không được ngôi báu vì ông không phải con ruột Thái Tông. Nhưng có một sự thật mà sử sách cũng ghi nhận: So về tài trí, Quốc Khang kém xa hai hoàng tử em, cũng không bằng nhiều vị vương gia, vương tử khác trong gia tộc. Tuy nhiên, Trần Quốc Khang dường như không bao giờ bất mãn về chuyện đó.


Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi: Năm 1268, Trần Quốc Khang 30 tuổi và Trần Thái Tông đã là Thái thượng hoàng. Một ngày mùa đông, vua Thánh Tông cùng anh trai là Quốc Khang vui đùa trước mặt Thượng hoàng. Quốc Khang múa một điệu của người Hồ, Thượng hoàng khen và cởi chiếc áo bông trắng đang mặc ban cho.


Vua Thánh Tông cũng muốn cái áo bông, bèn múa lại điệu ấy rồi xin áo. Quốc Khang cười nói: 'Quý nhất là ngôi vua, tôi đã không tranh với chú hai rồi, nay đức chí tôn ban cho tôi vật nhỏ mọn này mà chú hai cũng muốn cướp là sao?'. Thượng hoàng cười, bảo con trai cả: 'Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo này cũng chẳng hơn kém gì nhau ư?'. Rồi ngài khen ngợi Quốc Khang và ban cho cái áo.


Luật nay: Vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình


Việc vua Thái Tông lấy chị dâu làm vợ mình trong nỗi hận của anh trai, dù có biện minh thế nào cũng không thể tránh khỏi chuyện đàm tiếu.


Nếu chiếu theo quy định của pháp luật thời nay thì hành vi đó đã vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo đó, Điều 10 quy định về những trường hợp cấm kết hôn: Người đang có vợ hoặc có chồng; Người mất năng lực hành vi dân sự; giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với
con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; giữa những người cùng giới tính.


Đồng thời Điều 107 của luật trên cũng quy định rõ việc xử lý vi phạm pháp luật trong quan hệ hôn nhân và gia đình.


Theo đó, người nào vi phạm các điều kiện kết hôn; cản trở việc kết hôn đúng pháp luật; giả mạo giấy tờ để đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi; hành hạ, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và các thành viên khác trong gia đình; lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi; không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ giám hộ hoặc có các hành vi khác vi phạm pháp
luật về hôn nhân và gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.


Tường Linh






Theo nguoiduatin.vn