Biện pháp đậm chất nhân văn


Hiện nay, tội phạm hiếp dâm đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta. Phải chăng những quy định của pháp luật nước ta vẫn chưa đủ sức răn đe với loại tội phạm này, thưa bà?


Tôi nghĩ rằng, vấn đề này cần có một cái nhìn tổng thể mới tìm ra nguyên nhân, từ đó mới có biện pháp khắc phục. Thực tế, trong những năm qua, không chỉ hiếp dâm mà nhiều loại tội phạm khác cũng đang có xu hướng tăng. Theo quan điểm của tôi, tội phạm hiếp dâm tăng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.


Được biết, nhiều vụ xâm hại tình dục do nạn nhân tự nguyện quan hệ ở độ tuổi chưa được pháp luật cho phép. Nguyên nhân chính bùng phát hành vi phạm tội này một phần do tuổi dậy thì của các em hiện nay đến sớm hơn trước đây. Các em có ham muốn nhưng không kiểm soát được bản thân dẫn tới hành vi phạm tội. Trong những trường hợp này, bản thân tôi nghĩ rằng biện giáo dục giới tính cho trẻ là tối ưu nhất.


Ngoài ra, việc gia tăng loại tội phạm hiếp dâm còn có căn nguyên từ xã hội. Phim ảnh đồi trụy, môi trường sống thiếu lành mạnh cũng là tác nhân dẫn đến lối sống lệch lạc và hành vi phạm tội hiếp dâm. Do đó, nói rằng việc tăng lên các vụ án hiếp dâm do quy định pháp luật chưa nghiêm là không hoàn toàn chính xác.


Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng cần phải áp dụng biện pháp 'thiến hoá học' để trừng phạt tội phạm hiếp dâm nhằm hạn chế tình trạng trên, bà nghĩ như thế nào về vấn đề này?


Đây không phải ý tưởng mới lạ. Bởi hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia đang thực hiện biện pháp này nhằm trừng trị những kẻ loạn dâm gây án. Ở nhiều nước như Ba Lan, Nga, một số bang của Mỹ đã áp dụng biện pháp này nhiều năm nay.


Mới đây nhất, Toà án Seoul - Hàn Quốc cũng đã dùng biện pháp này để trừng phạt Pyo, một kẻ phạm tội hiếp dâm 5 trẻ em. Tuy nhiên, việc dùng hoá chất để trừng trị đối với những kẻ phạm tội hiếp dâm ở các nước phương Đông hay phương Tây đều gây ra sự tranh cãi trong dư luận. Nhiều người đồng ý dùng cách này nư một biện pháp mạnh để trừng trị thích đáng kẻ phạm tội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là biện pháp 'không nhân văn' thậm chí vi phạm đến quyền con người.


Nhiều ý kiến băn khoăn, hình phạt 'thiến hoá học' là quá dã man không khác gì những hình thức trả thù man rợ thời trung cổ. Bà nhìn nhận thế nào về luồng ý kiến này?


Thực sự khi nói đến 'thiến hoá học' không khỏi khiến nhiều quý ông giật mình, kinh hãi. Bởi ngôn từ này gợi cho nhiều người nghĩ tới một hình thức trừng phạt không kém những hình thức tra tấn dã man ở thời trung cổ. Thông thường với đàn ông, mỗi khi mất đi khả năng tình dục đều rơi vào trạng thái tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân. Tuy nhiên, tất cả mối lo toan trên đây bắt nguồn từ việc hiểu chưa đúng lắm về biện pháp 'thiến hoá học'.


Thực chất, 'thiến hoá học' không phải vì mục đích triệt sản như nhiều người nghĩ. Mà thực chất biện pháp này nhằm hạn chế lượng hormone tình dục của những phạm nhân có triệu chứng loạn hormone tình dục. Nó như một biện pháp chữa bệnh, để sau khi người phạm tội trả xong án khi ra khỏi nhà tù họ được sống như người bình thường. Bởi thực tế, nhiều tội phạm hiếp dâm có căn nguyên từ căn bệnh loạn sinh lý. Có nhiều kẻ phạm tội sau khi trả án xong ra ngoài lại tiếp tục gây nên tội ác. Nhiều quốc
gia thực hiện 'thiến hoá học' nhằm để trị những người có chứng loạn tình dục trên. Thậm chí, nhiều tội phạm đã tự nguyện 'thiến' bằng hoá chất để được sống như người bình thường.


Cần nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng


Theo như ý kiến của bà, đây là một biện pháp nhân văn, giúp kẻ phạm tội chữa được bệnh cuồng dâm, đồng thời phòng ngừa hành vi tái phạm khi phạm nhân tái hoà nhập với cộng đồng. Vậy có nên áp dụng 'thiến hoá học' vào thực tế hiện nay ở nước ta?


Rõ ràng trong những trường hợp kẻ phạm tội có căn nguyên từ chứng bệnh loạn sinh lý thì việc 'thiến hoá học' sẽ giúp cho những người này được sống như những người bình thường. Trở về với cộng đồng họ sẽ không gây hại cho người khác. Quan điểm của tôi, đây là biện pháp nhân văn có lợi cho xã hội cũng như người phạm tội. Vì vậy, nên đưa biện pháp 'thiến hoá học' vào Luật Hình sự ở nước ta. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng, bởi đây cũng được xem là biện pháp tương đối mạo hiểm. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào cơ địa của từng phạm nhân. Tránh tình trạng quá liều lượng dẫn đến 'triệt sản'. Nếu để xảy ra tình trạng trên sẽ vi phạm đến quyền con người.


Vậy theo bà, để 'thiến hoá học' thành luật, chúng ta cần phải làm những gì?


Trước hết cần phải lấy ý kiến của nhân dân về vấn đề này, bởi nếu đã thành luật nó liên quan đến quyền lợi của tất cả công dân. Mặt khác khi ban hành luật cần phải phân luồng tội phạm. Không phải trường hợp phạm tội hiếp dâm nào cũng sử dụng đến biện pháp 'thiến hoá học'. Theo tôi chỉ áp dụng cho những trường hợp hiếp dâm có nguyên nhân từ bệnh lý loạn hormone.


Xin cảm ơn bà!


Trinh Phúc - Anh Văn (thực hiện)






Theo nguoiduatin.vn