Từng nổi tiếng khi là người chuyển giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam, sau bao vất vả trong cuộc hành trình “xác định lại giới tính”, ước mơ được là chính mình của anh Phạm Văn Hiệp (tức cô gái chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm) lại đứng trước nguy cơ đổ vỡ.



Quỳnh Trâm hiện nay


Trên phương diện pháp lý thì trường hợp của anh Phạm Văn Hiệp không thuộc đối tượng được cho phép xác định lại giới tính theo quy định tại Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính. Bởi lẽ Nghị định 88 chỉ thừa nhận việc xác định lại giới tính đối với những trường hợp có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.


Trong khi đó anh Phạm Văn Hiệp từ nhỏ đã không có sự bất thường về bộ phận giới tính nam. Bản thân anh Hiệp trong nhiều lần phỏng vấn cũng khẳng định: đến khi dậy thì mới thấy có sự thay đổi về cơ thể như một người phụ nữ.


Mặt khác, Nghị định 88 cũng nêu rõ nghiêm cấm việc thực hiện việc xác định lại giới tính khi chưa được phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các cơ sở ý tế thực hiện việc xác định lại giới tính phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định, cho phép mới được can thiệp y tế để xác định lại giới tính. Tuy nhiên anh Phạm Văn Hiệp lại xác nhận lại giới tính từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, một cơ sở chưa được thẩm
định và cấp phép, cho nên những tài liệu từ bệnh viên đa khoa tỉnh Bình Phước cũng không được coi là tài liệu hợp pháp để xác định lại giới tính.


Dưới góc độ tình cảm và xu hướng thời đại thì nhiều người lại đồng tình với việc xác định lại giới tính của anh Phạm Văn Hiệp, thậm chí có thể hy vọng rằng sự kiện “cô giáo chuyển giới” sẻ mở đầu cho hàng loạt các ca xác định lại giới tính, cũng như thừa nhận giới tính thứ ba hay hôn nhân đồng tính ở Việt Nam.


Ở một phương diện khác, “cô gái chuyển giới” Phạm Lê Quỳnh Trâm sau khi xác định lại được giới tính thì sống rất yêu đời và đang rất hạnh phúc. Việc công nhận là “nữ” đã giúp “cô gái chuyển giới” hòa nhập tốt vào cộng động, tự tin trong công việc. Sự nghiệp “trồng người” của cô giáo Quỳnh Trâm nhận được sự yêu quý của hàng trăm học trò nghèo tỉnh Bình Phước.


Và giờ đây nếu như quyết định công nhận giới tính nữ của Quỳnh Trâm bị hủy bỏ, thu hồi thì không biết cuộc sống tinh thần của “cô gái chuyển giới” sẽ ra sao? Nhưng chắc cuộc sống của Quỳnh Trâm sẽ gặp nhiều khó khăn khi mà mang hình hài một cô gái nhưng về mặt “giấy tờ” lại mang giới tính của một chàng trai.


Và giả như Quỳnh Trâm muốn xây dựng gia đình với một chàng trai bởi thực tế mặc dù giấy tờ ghi Nam nhưng sau khi phẫu thuật chuyển giới Quỳnh Trâm đã là một “cô gái” thì cuộc hôn nhân này có được pháp luật công nhận?


Như vậy, UBND tỉnh Bình Phước có cơ sở pháp lý để thu hồi hai quyết định xác định lại giới tính, thay đổi hộ tịch của anh Phạm Văn Hiệp từ nam sang nữ. Thế nhưng đặt trong khía cạnh khác thì việc thu hồi này sẽ để lại nhiều vết “sẹo” trong dư luận.


Thiết nghĩ, việc chuyển đổi giới tính, xác định lại giới không còn lạ lẫm gì nữa. Cũng không nên có cái nhìn kỳ thị và né tránh vấn đề này. Để xảy ra vụ việc gây xôn xao dư luận như “cô gái chuyển giới” Phạm Lê Quỳnh Trâm có phần trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Phước khi mà chính bản thân UBND tỉnh “vội vàng” cho ra đời hai quyết định, để rồi chính họ lại phải “vội vàng” thu hồi, hủy bỏ nó vì trái luật.


Luật gia Giang Quyết







Theo nguoiduatin.vn