Những ngày qua dư luận đang hết sức quan tâm đến việc một số doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương điển hình là Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CP) và Công ty TNHH Emivest Feelmill Việt Nam “thổi” giá trứng gia cầm lên cao một cách bất hợp lý gây nhiễu thị trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.






Luật sư: Các DN thổi giá trứng khó thoát khỏi bị xử phạt


Nhiều câu hỏi đặt ra liệu những doanh nghiệp này sẽ bị xử lý đến đâu? Các hình thức xử lý có đủ răn đe, làm gương cho các doanh nghiệp khác không tái phạm?


Đến nay cả hai doanh nghiệp trên đều đã thừa nhận lỗi trong việc tăng giá trứng bất hợp lý. Nhiều ý kiến đề nghị ngành thuế cần vào cuộc để tính toán lại phần tăng giá bất hợp lý của doanh nghiệp “thổi” giá trứng, buộc các doanh nghiệp này phải có trách nhiệm đóng góp đối với ngân sách nhà nước.


Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại của việc truy thu thuế đối với doanh nghiệp vi phạm thì chắn hiện tượng “thổi”giá, lũng đoạn thị trường của nhiều doanh nghiệp có nguy cơ tái diễn. Bởi lẽ lợi nhuận mà các doanh nghiệp thu được từ những đợt nâng giá này không phải là con số nhỏ. Hơn nữa nếu các cơ quan chức năng không làm triệt để thì thiệt hại không ai khác chính là người tiều dùng, chính là nhân dân phải gánh chịu. Lâu dần sẽ dẫn đến mất lòng tin vào bộ máy quản lý.


Ở khía cạnh pháp luật, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, phía Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị tước giấy phép kinh doanh do vi phạm quy định ghi nhận tại Luật cạnh tranh.
Theo đó, những đơn vị tham gia vào thị trường chiếm tỷ lệ 30% thị phần trên phạm vi cả nước, nếu tự tăng giá mà không có lý do phù hợp thì có thể chịu hình thức xử phạt nặng nhất là tước giấy phép kinh doanh.


Tuy nhiên khả năng này là khó xảy ra bởi lẽ ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã khẳng định sản lượng trứng cung ứng cho cả nước khoảng 9 tỷ quả. Trong đó, Cty CP chăn nuôi CP Việt Nam sản xuất ra 450-600 triệu quả, chiếm 6-7%. Ở hệ thống siêu thị, trứng gà công nghiệp chiếm khoảng 3,5 tỷ quả và cao nhất là 4 tỷ. Riêng Cty CP chăn nuôi CP Việt Nam cung ứng 450-460 triệu quả, đạt 13-17%.


Như vậy, mặc dù cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng của vụ việc thế nhưng xét trên quy định của Luật cạnh tranh thì công ty CP không vi phạm pháp luật.


Hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh có thể “thoát” nhưng hành vi tăng giá quá mức gây ảnh hưởng đến sự bình ổn của thị trường thì những doanh nghiệp trên khó tránh khỏi việc không bị xử phạt. Bởi lẽ Theo điều 17, Nghị định 84 ngày 20/9/2011 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá, mức xử phạt đối với hành vi tăng giá quá mức từ 500.000 đến 20 triệu đồng đối với hàng hóa có giá trị trên 100 triệu
đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng có thời hạn 12 tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc loại giấy phép được cấp. Vi phạm nhiều lần sẽ tước quyền sử dụng giấy phép không thời hạn.


Cuối cùng người viết bài viết này, mong rằng cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra, xem xét và trên cơ sở pháp luật áp dụng những hình thức xử phạt thích đáng đối với những doanh nghiệp vụ lợi, “chà đạp” lên lợi ích của người tiêu dùng, không tuân thủ các quy định của pháp luật.


> Tìm LUẬT SƯ trên Người đưa tin


Luật gia Giang Quyết






Theo nguoiduatin.vn