Thế nhưng, khi quận Hoàng Mai ra quyết định thu hồi đất chỉ phê duyệt cho họ được hưởng phương án hỗ trợ cây trồng, nhà cửa trên đất mà không được hưởng tiền đất khiến hàng chục tỷ đồng của người dân đầu tư đang đứng trước nguy cơ trắng tay.


Không chỉ vậy, ngay cả cách lên phương án hỗ trợ, bồi thường về đất từ cấp chính quyền quận, đặc biệt là việc xác định sai đối tượng trong việc hưởng quyền, lợi ích chính đáng khiến rất nhiều người dân tỏ ra bức xúc.






Trang trại của 16 hộ dân đầu tư đang đứng trước nguy cơ mất trắng.


Những dấu hiệu mờ ám

Trao đổi với PV Người đưa tin, bà Vũ Thị Bền, một trong 16 hộ dân có đất tại xứ đồng Cát Thượng (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) cho biết: Quãng thời gian từ năm 2000 – 2006, 16 hộ dân chúng tôi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất 5% của 21 hộ dân trên cùng địa bàn với tổng diện tích là 4.506m2.


Trong quá trình chuyển nhượng đất, đều có giấy chứng nhận, chữ ký của các bên hẳn hoi. Đằng sau của sổ đất có ghi rất rõ số thửa, bản đồ bao nhiêu và có hiển thị cả số mét vuông đã bán cho 16 hộ dân, trong đó có cả chữ ký của cấp lãnh đạo chính quyền.


Ngay sau khi nhận chuyển nhượng đất, chúng tôi đã tiến hành san ủi, cải tạo mặt bằng nhằm mục đích phát triển nông nghiệp với mô hình trang trại, vườn, ao, chuồng nhằm phát triển kinh tế cũng như thu hút, tạo điều kiện về công ăn việc làm cho con cháu trong gia đình và những người dân lao động tại địa phương.


Trong khoảng 2 năm, từ 2006 – 2007 thì hoàn thiện xong và đi vào hoạt động với tổng chi phí hơn 10 tỷ đồng (gồm có 14 nhà cấp 4, 3 chuồng chăn nuôi, 7 đèn cao áp và một số công trình phụ khác phục vụ chăn nuôi, trồng trọt). Khi xây dựng đã được phường Trần Phú và Trung tâm phát triển quỹ đất của quận ủng hộ, khuyến khích sản xuất chăn nuôi và trồng rau sạch nhằm phát triển kinh tế.


Đến năm 2009, phường Trần Phú có thông báo đất mà người dân chúng tôi đang sử dụng vào dự án Gamuda (dự án đối ứng C2 nhà máy xử lý nước thải Yên Sở) – đây là dự án của nước ngoài đầu tư để xây nhà kinh doanh. Đồng thời yêu cầu ra đo thực trạng đất và tài sản trên đất để phường, quận lên phương án hỗ trợ bồi thường.


Điều kì lạ ở chỗ, đến tháng 7/2011, phường Trần Phú thông báo cho 16 hộ dân biết UBND quận Hoàng Mai đã có quyết định trả tiền đất cho 21 hộ dân đã chuyển nhượng đất cho chúng tôi chứ không phải là những người dân đang quản lý, sử dụng trực tiếp như hiện tại. Còn 16 hộ dân chỉ nhận được khoảng 400 triệu đồng tiền hỗ trợ cây trồng, nhà cửa trên đất mà thôi.


“Tôi không thể hiểu được tại sao UBND quận Hoàng Mai lại xây dựng phương án và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ về đất cho 21 hộ dân đã chuyển nhượng quyền sử dụng cho 16 hộ dân chúng tôi như vậy được? Điều này hết sức vô lý và họ đã cố tình gạt bỏ quyền, lợi ích xứng đáng được hưởng của chúng tôi ra ngoài” – bà Bền nhấn mạnh.


Cùng chung tâm trạng, bà Nguyễn Thị Đào (một trong 16 hộ dân) cho biết thêm: quận Hoàng Mai đã xác định không đúng đối tượng hiện đã và đang sử dụng hợp pháp 4.506m2 đất trên. Chúng tôi đã nhận chuyển nhượng, sử dụng ổn định gần chục năm nay không có tranh chấp gì và ai ai ở trên địa bàn phường Trần Phú này đều biết về sự việc.


Ngay chính quyền xã, phường khi chúng tôi xây dựng nhà cấp 4 từ những năm 2001, 2003 cũng công nhận, khuyến khích mà có thấy lập biên bản hay cưỡng chế vi phạm gì đâu. Nay họ cố tình áp đặt, chi trả tiền cho 21 hộ dân đã chuyển nhượng đất cho chúng tôi một cách hết sức phi lý và trái pháp luật như vậy là không thể chấp nhận được. Trong khi chính những người dân này cũng đã viết giấy từ chối
nhận tiền vì đã chuyển nhượng đất cho người khác nhưng phía quận vẫn cố tình ép họ ra nhận tiền.


Nếu 21 hộ dân này không nhận tiền, họ sẽ “trói” bằng cách không trả lại sổ đỏ đã thu trước đó nhằm chỉnh lý, bổ sung biến đổi về đất và như vậy chẳng khác gì đánh đố, bắt ép họ phải làm theo chính sách của quận Hoàng Mai và như vậy có thật sự công tâm khi thực hiện công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng trên địa bàn?!


Đó còn chưa kể tới, liệu có điều gì mờ ám khi họp áp đặt chi trả số tiền như vậy, trong khi cùng với diện tích đất nông nghiệp đó được chủ đầu tư nước ngoài đầu tư làm dự án và giao bán với mức giá cao ngất ngưởng từ 60 – 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng/m2 và ngay bản thân chủ dự án này cũng phải chi trả, bồi thường tiền đất cho chính quyền phường, quận lên tới 7triệu đồng/m2. Vậy thử hỏi liệu số tiền chênh lệch này sẽ rơi vào đâu?! – bà Đào bức xúc.



Nhập nhằng chuyện đền bù đất nông nghiệp tại quận Hoàng Mai, TP.Hà
Nội



Chính quyền đã làm đúng quy định?!


Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Trường, phó Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Hoàng Mai khẳng định: về phương án, xây dựng giá hỗ trợ, bồi thường quận đã làm theo đúng quy định của pháp luật mà cụ thể là quyết định của UBND TP.Hà Nội và các nghị định của Chính phủ.


Trong đó giá đất là 252.000đồng/m2 và người được giao đất theo Nghị định 84 của Chính phủ sẽ được hỗ trợ bình quân bằng 30% giá bình quân đường vị trí loại 3 trên địa bàn phường đó.


Do vậy, tính tổng trong trường hợp này là vào khoảng gần 3 triệu đồng/m2. Riêng phản ánh về tiền bồi thường 16 hộ dân không được nhận mà trả cho 21 hộ dân đã chuyển nhượng trước đó, ông Trường cho biết: Trả cho 21 hộ dân bởi vì bà Bền trình bày mua bán, chuyển nhượng trao tay, chưa có cơ quan nhà nước nào chứng thực, xác nhận việc mua bán trên. Do đó, không đủ cơ sở để chứng minh 16 hộ dân này mua, và sử dụng?!


Từ căn cứ đó, quận mới căn cứ vào việc 21 hộ dân này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lên phương án, hỗ trợ, bồi thường về đất. Khi họp thông báo các hộ dân đều ra, đến lúc phát tiền các hộ đều vui vẻ nhận tiền có thấy hộ nào từ chối đâu?!


Trước câu hỏi, vậy những hộ dân này nhận tiền nhưng không trả cho 16 hộ dân đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông Trường khẳng định: “Tất cả hộ dân này nhận sau đều trả cho bà Bền, nếu không trả cho bà Bền chúng tôi sẽ có biện pháp và chắc chắn họ không nhận được? Theo tin tôi được biết, những hộ dân nhận tiền sau đó trả cho bà Bền nhưng vì bà Bền không nhận nên họ vẫn đang cầm hộ” (?). Ngay quận cũng đã
động viện bà Bền nhân tiền và hỗ trợ một số cái khác nhưng bà Bền không đồng ý – ông Trường nhấn mạnh.


Cũng theo ông Trường, việc 16 hộ dân (trong đó bà Bền được những hộ này uỷ quyền) không được đứng tên trong phương án bồi thường vì những hộ này giao dịch mua bán, chuyển nhượng không qua cơ quan công chứng nhà nước nào. Chính vì vậy mà những người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đủ tiêu chí đứng tên bồi thường, còn lại họ phải tự giao dịch với nhau theo nhưng những gì đã cam kết, thoả thuận.


Đề cập tới vấn đề này, Luật sư Lương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Hà Nội mới cho biết: tại khoản 4, điều 7, quyết định số108/2009/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội, ngày 29/9/2009 cho thấy theo quy định không bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan chức năng nhà nước mà chỉ cần có chữ ký của các bên mua, bán liên quan nhưng đến thời điểm có quyết định thu hồi đất chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử
dụng đất theo quy định của pháp luật.


Ngoài ra, trong trường hợp này 21 hộ dân đã có đơn nộp đề nghị khước từ hưởng quyền lợi vì đã chuyển nhượng cho người khác nhưng Hội đồng BTGPMB quận Hoàng Mai vẫn quy chủ đối tượng nhận bồi thường như vậy là không đúng và đi ngược lại với quy định của pháp luật. Không chỉ vậy, vô hình chung nó còn đẩy bên mua bán vào tình trạng tranh chấp dân sự với nhau?!


Anh Hoàng






Theo nguoiduatin.vn