Ông Nguyễn Chiến, phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã viện dẫn ra vụ án cụ thể mà ông đã phát hiện tình tiết để lọt tội phạm của cơ quan điều tra tỉnh Tuyên Quang.


Suýt bỏ lọt tội phạm


Trong cuộc đời giảng dạy và hành nghề luật sư ngót 30 năm, với rất nhiều tình huống thăng trầm trong công việc, luật sư Nguyễn Văn Chiến đã tham gia bảo vệ rất nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết, vụ cướp tiệm vàng xảy ra ngày 10/4/2012, tại phường Tân Quang, TP.Tuyên Quang, gây chấn động dư luận trên địa bàn tỉnh là một vụ án điển hình bị cơ quan tố tụng bỏ lọt
tội phạm.


Các đối tượng hành động ngay giữa ban ngày, dùng súng khống chế, dùng dao đâm nạn nhân và cướp tài sản. Điều đặc biệt, có hai đối tượng giết người, cướp của diễn ra một cách dã man và táo tợn nhưng cơ quan CSĐT công an tỉnh Tuyên Quang chỉ truy tố 1 tên về tội giết người, cướp tài sản, còn một tên về tội cướp tài sản cho dù các tài liệu chứng cứ đã chứng minh các bị cáo là đồng phạm.


Theo lời kể của luật sư Chiến, khoảng tháng 7/2011, Đặng Hữu Hạnh (SN 1978) ở thôn Ấp Hộ, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đến chung sống như vợ chồng với chị Lương Thị H., ở tỉnh Tuyên Quang. Do không có tiền trả nợ ngân hàng, Đặng Hữu Hạnh đã rủ Trần Văn Hà (SN 1991) ở xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cùng đi cướp tiệm vàng. Sau khi đã bàn bạc thống nhất, Hạnh đi mua một khẩu súng tự chế kèm theo 6 viên đạn của một người dân ở khu vực xã Kiến Thiết, tỉnh Tuyên
Quang và đưa tiền cho Hà đi mua một con dao nhọn.


Khoảng cuối tháng 3/2012, Hạnh rủ Hà xuống TP.Tuyên Quang để đi cướp vàng, nhưng tiệm vàng nào cũng đông người nên không thực hiện được. Sáng 10/4/2012, Hạnh cùng Hà đi quan sát và thấy hiệu vàng Tuấn Anh 2 ở tổ 24, phường Tân Quang có 'cơ hội ra tay'. Trưa cùng ngày, Hạnh chở Hà bằng xe máy đem theo súng, đạn, dao nhọn và một túi xách đi gây án.






Hai tên giết người, cướp của Đặng Hữu Hạnh và Trần Văn Hà tại phiên tòa.


Để tránh bị phát hiện, cả hai tên đều đeo khẩu trang bịt kín mặt. Khi đến tiệm vàng Tuấn Anh 2, chúng dựng xe ngoài cửa rồi đi vào trong. Gặp anh Nguyễn Mạnh Dũng (SN 1971, chủ tiệm vàng), tên Hạnh chĩa súng vào người, khống chế anh Dũng. Anh Dũng bỏ chạy vào phía trong nhà thì bị vấp ngã, Hà đuổi theo chĩa dao, khống chế không cho anh Dũng chạy tiếp.


Anh Dũng túm được tay cầm dao của Hà, hai bên giằng co con dao, thấy vậy Hạnh bảo Hà: 'Đâm đi!', nhưng Hà không đâm. Hạnh chạy đến giật dao đâm 2 nhát vào ngực anh Dũng làm anh ngã gục xuống nền nhà. Vừa lúc đó chị Liên (vợ anh Dũng) từ tầng 2 đi xuống liền chạy ra cửa sau, sang nhà hàng xóm hô hoán mọi người đến cứu. Nghe thấy tiếng kêu cứu, bọn chúng bỏ chạy ra ngoài rồi lên xe máy chạy thoát thân.


Vừa chạy, Hạnh vừa chĩa súng bắn về phía những người dân đuổi theo mình, đến khu Lê Lợi 3, phường Tân Quang thì bị bắt giữ, còn Hà chạy thoát. Ngày 11/4/2012, Hà đến cơ quan CSĐT công an tỉnh Tuyên Quang đầu thú.Tại cơ quan CSĐT, Đặng Hữu Hạnh và Trần Văn Hà đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.


Về phần anh Dũng chủ tiệm vàng Tuấn Anh 2, dù đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng anh Dũng đã tử vong vào ngày 18/4/2012.


Là người nhận trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích cho gia đình người bị hại, luật sư Nguyễn Văn Chiến bày tỏ quan điểm của mình: 'Trong tất cả các bản cung của bị cáo Trần Văn Hà và Đặng Hữu Hạnh, cũng như bản khai của những người làm chứng, đều thể hiện và khẳng định Hà có vai trò giúp sức tích cực cho Hạnh trong vụ án xảy ra ngày 10/4/2012. Về ý thức chủ quan của Hạnh và Hà, ngay từ đầu đã có sự chuẩn bị
rất kỹ cho việc thực hiện giết người và cướp tài sản. Tại cáo trạng số 18/QĐ-KSĐT của VKSND tỉnh Tuyên Quang, truy tố Đặng Hữu Hạnh về hai tội giết người và cướp tài sản, Trần Văn Hà về tội cướp tài sản.


Qua nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như phần xét hỏi công khai tại phiên tòa sơ thẩm, tôi đưa ra quan điểm pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình người bị hại. Với các tình tiết, diễn biến khách quan của vụ án, Hạnh và Hà, cùng khống chế đâm chết anh Dũng, nhằm mục đích cướp tài sản. Nhưng cơ quan CSĐT không khởi tố Trần Văn Hà về tội giết người là thiếu sót, bỏ lọt tội phạm.


Ngay sau khi VKSND tỉnh Tuyên Quang chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh Tuyên Quang để xét xử hai bị cáo với các tội danh như đã nêu ở trên, tôi đã có văn bản kiến nghị của luật sư. Đề nghị TAND tỉnh Tuyên Quang xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với hành vi giết người của Trần Văn Hà.


Kiến nghị của tôi đã được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận. Sau đó cơ quan CSĐT công an tỉnh Tuyên Quang đã ra bản kết luận điều tra bổ sung truy tố Hà và Hạnh về tội giết người và cướp tài sản và được thể hiện trong bản luận tội của vị đại diện KSND tỉnh Tuyên Quang ngày 1/11/2012'.


Cũng theo ông Chiến, vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự không chỉ là bảo vệ cho thân chủ mà còn góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng; điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, tránh để lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội.


Mặc dù theo quy định của pháp luật, luật sư có thể tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, thậm chí còn sớm hơn, từ khi có quyết định tạm giữ. Nhưng trên thực tế, tỉ lệ các vụ án hình sự, luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra còn quá thấp. Trong đó có cả những vụ án mà sự tham gia của luật sư là bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.


Trông người mà ngẫm đến ta...


Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết: 'Phiên tòa xét xử hai tên cướp trong vụ án giết người cướp của tại tiệm vàng Tuấn Anh 2 đã khép lại, với bản án thích đáng: Án tử hình đối với Đặng Hữu Hạnh và chung thân đối với Trần Văn Hà. Kết thúc phiên tòa, đông đảo người dân đồng tình và ủng hộ.


Nếu như trong vụ án cướp tiệm vàng Tuấn Anh 2, không có sự tham gia của luật sư, hoặc thân chủ không có tiền thuê luật sư thì vô hình trung các cơ quan tiến hành tố tụng đã để lọt tội phạm. Vấn đề không nằm ở chỗ để lọt tội phạm mà điều lớn hơn là mất đi lòng tin của người dân vào pháp luật, ảnh hưởng đến tinh thần tự tôn pháp luật của
quần chúng. Trong hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử được coi là khâu trọng tâm vì ở đây biểu hiện sự tập trung và thể hiện đầy đủ quyền tư pháp, là nơi trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố và bào chữa.


Toà án nhân danh Nhà nước đưa ra phán xét một người có tội hay không có tội. Do vậy một phán xét chính xác, khách quan và đúng pháp luật hay không, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân có được bảo đảm hay không phụ thuộc vào quá trình điều tra, truy tố và xét xử từ phía cơ quan tiến hành tố tụng và cả các cơ quan bổ trợ tư pháp, trong đó có vai trò của luật sư. Theo Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư có thể tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người thì luật sư
có thể tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ.


Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần luật sư chỉ đến được cửa phòng trực ban của cơ quan điều tra để gửi giấy tờ làm thủ tục chờ được tham gia mà thôi với nhiều lý do khác nhau như cán bộ giải quyết vụ án đang đi vắng, luật sư thiếu giấy tờ cần bổ sung, thủ trưởng cơ quan đi vắng, chờ cán bộ vào trại gặp hỏi ý kiến bị can có cần có luật sư không...'.


Cũng theo luật sư Chiến: 'Cải cách tư pháp luôn được coi là một hoạt động quan trọng gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt nam. Mục tiêu của cải cách tư pháp là xây dựng một hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh có phương thức tổ chức, hoạt động khoa học, hiện đại góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự kỷ cương phép nước.


Vậy nhưng, trên thực tế ở một số nơi cơ quan tố tụng chưa tạo điều kiện để luật sư thực hiện đầy đủ chức năng tố tụng của mình, một số điều tra viên chưa ủng hộ việc luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra. 'Trông người mà ngẫm đến ta', ở các nước văn minh, vị thế của luật sư rất được coi trọng, điều đó chúng ta nên học tập và áp dụng để điều luật khi ban hành có hiệu lực'.


Lương Liễu






Theo nguoiduatin.vn