Pháp luật, lúc nào và ở đâu cũng hướng đến việc giúp mỗi cá nhân trong xã hội nhận thức rõ điều đúng đắn, gợi mở và thúc đẩy họ hướng đến cái thiện. Để có thể làm được điều đó, luôn luôn cần đến khối óc và con tim của những người thực thi pháp luật.


Dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho ngành tư pháp, trong đó có hơn 10 năm làm thẩm phán TAND Tối cao, ở tuổi 84, luật sư (LS) Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội vẫn còn nguyên bầu nhiệt huyết với tiến trình cải cách tư pháp nước nhà. Nhân dịp đầu xuân năm mới, LS Tỵ đã dành riêng cho PV báo ĐS&PL buổi trò chuyện khá thú
vị xung quanh chủ đề án oan sai và làm thế nào để khắc chế hiện trạng này.






LS Nguyễn Trọng Tỵ.


Nguy hại lề lối 'kết tội theo hồ sơ'


Trên thực tế, có không ít vụ án hình sự, cơ quan điều tra 'nhảy múa' trên hồ sơ (làm sai lệch hồ sơ). Trong khi đó, kết quả tranh tụng tại tòa lại không được HĐXX xem xét một cách thấu tình đạt lý, dẫn đến quy kết tội theo hướng 'án tại hồ sơ'. Để tránh án oan sai, theo LS chúng ta cần phải làm gì?


Qua hơn 10 năm làm thẩm phán TANDTC và tiếp đó là làm luật sư, gần đây tôi có nghe nhiều người làm việc trong ngành pháp luật phàn nàn về tình trạng điều tra viên 'nhảy múa' trên hồ sơ. Tôi nhớ hồi xưa, người ta hay nhắc đến khẩu hiệu 'án tại hồ sơ'.


Theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, VKS, tòa án) chỉ dựa vào hồ sơ để quy kết tội. Thực tế có vụ án quy kết đúng tội, cũng có vụ oan sai (người không có tội vẫn bị kết tội, có tội ở mức độ vừa phải lại quy kết tội nặng hơn). Tôi đã chứng kiến nhiều vụ ở giai đoạn điều tra, bị can nhận tội rõ ràng, rành mạch. Nhưng khi ra đến công đường, bị cáo này lại quay ngoắt phản cung, chối tội 180 độ. Lý do chủ yếu đưa ra là bị cơ quan điều tra ép cung, mớm cung, do không hiểu biết pháp
luật...


Tôi được biết, ở các nước văn minh (ví dụ như ở nước Canada), khi gặp phải những vụ án như thế này, người ta trả hồ sơ cho điều tra kỹ lại vụ án từ đầu. Tòa án không ép bị cáo phải nhận tội theo lời khai ban đầu của mình. Tòa phải chứng minh rõ lời khai nào là đúng, lời khai nào là sai, rồi mới ra bản án.


Do vậy, có nhiều vụ án hình sự phức tạp, người ta phải xử kéo dài hàng tháng trời. Còn ở nước ta thì sao? Hiện nay ở nhiều Tòa án trong cả nước, chuyện khoán việc xét xử cho mỗi thẩm phán là bình thường. Có ngày một thẩm phán phải xét xử 2- 3 vụ án. Chính vì bị thúc ép về thời gian, không ít thẩm phán đã xử án theo hồ sơ.


Thậm chí, có nhiều bản án được viết sẵn (thường được gọi là 'án bỏ túi'), thẩm phán đem ra đọc làu làu trước bàn dân thiên hạ. Mọi người thử nghĩ xem, đối với những bản án 'bỏ túi' này, HĐXX chỉ nghị án khoảng 10 đến 15 phút mà đã có bản án dài mấy chục trang, phản ánh rõ chi tiết hành vi phạm tội và quá trình tranh tụng tại tòa. Chủ tọa phiên tòa đọc bản án, còn các vị hội thẩm nhân dân chỉ ngồi nghe. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người làm việc trong ngành pháp luật cho rằng hiện nay, vai
trò xử án của các vị hội thẩm nhân dân còn rất hạn chế.


Đây đó, chúng ta vẫn bắt gặp nhiều phiên tòa hình sự, hội thẩm nhân dân ngồi cho 'có đủ mâm đủ bát', không tham gia hay hỏi một câu nào trong quá trình xét xử. Có chăng, thi thoảng có vị hội thẩm nhân dân được phân công hỏi một hai câu lấy lệ?! Như vậy bảo sao không tránh khỏi án oan sai.


Theo quan điểm của tôi, để giảm án oan sai, xử oan người vô tội, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải công khai, minh bạch các vụ án (loại trừ các án liên quan đến bí mật Nhà nước, an ninh quốc gia). Ở các nước văn minh, bản án tuyên ra là chuẩn mực, được xét xử công khai cho dân chúng biết. Hiện tại ở nước ta chưa có quy định công khai bản án. Thậm chí có bị cáo bị phạt tù, gia đình đến xin bản án cũng chỉ nhận được bản sao trích lục bản án.


Thêm nữa, người ngồi ghế xét xử (thẩm phán) phải thấy mình có trách nhiệm với dân, phải tâm huyết với công việc bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải của mình thì mới xét xử đúng luật được. Còn khi xét xử mà cứ nghĩ đến ý kiến chỉ đạo của cấp trên, nghĩ đến việc bổ nhiệm thẩm phán, làm đẹp lòng ông nọ, bà kia,... thì không thể cầm cân nảy mực khi xử án.


Ngoài Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, theo ông cần phải có thêm chế tài nào để xử lý những người 'tạo ra' án oan sai?


Tôi chưa thấy người làm sai trong tố tụng hình sự bị xử lý bao giờ (cũng có thể tôi chưa được biết). Trước kia, tôi xử một vụ án hình sự ở tỉnh Thanh Hóa, người ta tuyên bị cáo mức án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, tôi xử không có tội và tuyên trả tự do cho bị cáo ngay tại Tòa. Họ giam bị cáo này trong 40 tháng trời nhưng sau đó chẳng thấy ai bị kỷ luật gì cả. Kể cũng lạ.


Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, thẩm phán xử án sai lần thứ nhất sẽ bị cảnh cáo. Nếu lần thứ hai xử sai sẽ bị chấm dứt quyền xử án. Luật sư cũng thế. Nếu anh tư vấn cho thân chủ lần đầu sai là bị kỷ luật. Đến lần thứ hai mà sai có thể bị đình chỉ hành nghề lĩnh vực đó. Thậm chí đối với cảnh sát hay điều tra viên cũng vậy. Ngoại trừ chức danh cảnh sát trưởng là người Nhà nước, các cảnh sát khác đều là người lao động ký hợp đồng. Nếu anh làm không đúng nhiệm vụ của mình, tùy mức độ vi
phạm sẽ bị cảnh cáo, đình chỉ công tác, nặng hơn là chấm dứt hợp đồng lao động.


Công tố viên (kiểm sát viên) cũng không ngoại trừ. Tôi cho rằng ở Việt Nam rất cần có những quy định này. Mới đây, trong Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo ngành tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng xét xử, phấn đấu không để xảy ra các vụ xử oan, sai và bỏ sót tội phạm, hạn chế thấp nhất các bản án, quyết định của Tòa phải hủy, sửa do lỗi của thẩm phán. Tôi rất tâm đắc và đồng tình với quan điểm của Chủ tịch nước. Muốn làm được việc này,
một mình ngành Tòa án là chưa đủ, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.






LS. Nguyễn Trọng Tỵ đang trao đổi với PV. Ảnh Thành Long (thực hiện).


'Con kiến đi kiện củ khoai'?


Ông có quan điểm gì về ý kiến ngày càng có nhiều vụ án hành chính người dân kiện chính quyền, mặc dù có căn cứ pháp lý nhưng rốt cục chẳng khác gì 'con kiến đi kiện củ khoai'?


Trong quá trình cải cách tư pháp, tôi nhiều lần có ý kiến đề nghị tách tòa hành chính ra khỏi hệ thống TAND các cấp. Như chúng ta đều biết, đối tượng xét xử của tòa hành chính là các cơ quan công quyền và người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp (quyết định hành chính và hành vi hành chính).


Theo luật hiện hành, khi có đơn khiến kiện hành chính, Tòa án nơi có người ra quyết định hành chính, hành vi hành chính có thẩm quyền xét xử. Vì nhiều lý do tế nhị, công tác xét xử các vụ án hành chính này bị hạn chế ít nhiều mà dân gian thường ví như cái kiến đi kiện củ khoai. Nếu tách tòa hành chính ra khỏi hệ thống TAND các cấp, những tiêu cực, thậm chí án oan sai trong lĩnh vực hành chính sẽ bị loại bỏ một cách triệt để.


Điều đáng nói, tôi chưa thấy trường hợp nào kiện việc không thực hiện hành vi hành chính của một cơ quan hay cá nhân người lãnh đạo cơ quan đó. Ví dụ: Khi thấy hành vi xây dựng sai phép, cơ quan chức năng (UBND phường, xã) phải ra quyết định xử phạt hành chính, quyết định đình chỉ công trình vi phạm. Nếu không ra những quyết định này, thì UBND phường, xã đó không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (hành vi hành chính).


Hay như cảnh sát giao thông thấy hành vi vi phạm giao thông mà không xử phạt là không làm tròn nhiệm vụ được Nhà nước giao phó. Những điều này đều gây mất ổn định cho xã hội và bức xúc trong dư luận. Nói tóm lại, muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, những đòi hỏi trên là rất quan trọng.


Xin cảm ơn ông!


Thiên Long (Thực hiện)






Theo nguoiduatin.vn