Sự việc đại biểu Hoàng Hữu Phước có bài viết với lời lẽ nặng nề nhằm tới đại biểu Dương Trung Quốc khiến dư luận hết sức quan tâm, báo chí cũng tốn rất nhiều giấy mực. Theo ĐBQH Tô Văn Tám việc ĐBQH xúc phạm lẫn nhau là vi phạm quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH.


Liên quan đến vấn đề đang khiến dư luận quan tâm thời gian qua, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Tô Văn Tám, ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Vị ĐBQH này chia sẻ, chính ông cũng cảm thấy bất ngờ vì trên nghị trường Việt Nam chưa có tiền lệ nào như vậy.


Theo đại biểu Tám, trong các cuộc họp, kỳ họp của Quốc hội vẫn có những thời điểm tranh luận, phản biện ý kiến gay gắt nhưng việc một đại biểu sử dụng blog cá nhân để nói xấu đại biểu khác là điều chưa từng xảy ra. 'Tôi nghĩ các đại biểu có thể nêu ý kiến khác nhau, tranh luận với nhau một cách sòng phẳng, thoải mái trên cơ sở khoa học cũng như tôn trọng lẫn nhau.


Bài viết của đại biểu Phước tôi thấy chưa đúng lắm. Bởi ngôn ngữ trong đó không phải là ngôn ngữ của tranh luận. Ai cũng bất ngờ và không hiểu sao lại có những bài viết như vậy. Đọc blog của ĐBQH Phước, tôi thấy nó không hay trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng', ông Tô Văn Tám chia sẻ.


Là đồng nhiệm với hai đại biểu Hoàng Hữu Phước và Dương Trung Quốc, ông Tám biểu hiện sự không đồng tình với bài viết của ông Phước. Theo ông Tám, một ĐBQH, một chính khách, một người đại diện cho nhân dân, cho cử tri là để truyền tải tiếng nói, thỏa mãn sự mong chờ của cử tri. Do đó khi phát biểu trước công luận thì cần phải hết sức thận trọng. Thận trọng không có nghĩa là né tránh, là không dám nói lên sự thật mà thận trọng ở đây nghĩa là nói sao cho đúng, cho phù hợp với văn hóa ứng xử,
phù hợp với pháp luật.


Trước hết, những phát biểu đó cần phải vì lợi ích chung của đại đa số cử tri, những vấn đề mà cử tri quan tâm, mong đợi. Không thể vì một cá nhân này với cá nhân kia mà đưa ra những ý kiến mang tính cá nhân, xúc phạm, miệt thị lẫn nhau. Còn việc nêu lên quan niệm khác nhau, ý kiến khác nhau là chuyện hết sức bình thường. ĐBQH phải có sự tranh luận thẳng thắn, khoa học chứ không thể tranh luận theo kiểu chợ búa được.


Ở nước ngoài, có những nước đã từng xảy ra việc các 'ông nghị' thóa mạ nhau, chửi nhau thậm chí đánh lộn trong khi họp nghị viện. Đó là điều bình thường. Nhưng ở nước họ, việc đó có thể là không vi phạm pháp luật và được cử tri cho phép. Còn đối với nước ta, trong các quy chế của ĐBQH, nguyên tắc ứng xử của người đại biểu cũng như luật pháp không cho phép điều đó. Trong các quy chế vận động tranh cử cũng quy định việc các đại biểu phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng cử tri.


'Theo quy định tại điều 1 của quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH ban hành kèm theo nghị quyết số 08/2002/QH11 của Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 2 thì ĐBQH không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Chính vì vậy họ phải cẩn trọng hơn trong hành vi, ngôn ngữ của mình.


Điều này càng được khẳng định hơn tại điều 3 của quy chế là ĐBQH phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có nhiệm vụ tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên nhân dân và người thân trong gia đình chấp hành pháp luật, tham gia
quản lý Nhà nước. Nếu ĐBQH vi phạm pháp luật, không tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng cũng tức là xúc phạm danh dự, uy tín của nhân dân, của Nhà nước', ông Tô Văn Tám nhấn mạnh.


Quốc Triều






Theo nguoiduatin.vn