Pháp luật xưa rất hà khắc với nạn này, tuy nhiên, xử theo cách của vua Lê Thánh Tông với cha con Nguyễn Xí vẫn được xem là... 'Lạt mềm buộc chặt'.


Vua Lê Thánh Tông được các vị đại thần đưa lên ngai vàng vào tháng 6/1460, sau khi hạ bệ Lê Nghi Dân (kẻ tiếm quyền đã giết cả vua Lê Nhân Tông và thái hậu Nguyễn Thị Anh). Những đại thần có công đầu đưa Lê Thánh Tông lên ngôi là cha con Nguyễn Xí - Nguyễn Sư Hồi, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận, Nguyễn Lỗi...


Cũng vì có công đưa vua lên ngôi nên họ tự coi mình là những người có công lớn, nhiều việc tự quyết định, mà không hề cho vua biết. Năm 1463 (3 năm sau khi lên ngôi), vua Lê Thánh Tông có ra sắc chỉ dụ Thái úy Nguyễn Xí rằng: 'Tông miếu xã tắc an hay nguy là ở mấy người các khanh thôi. Các khanh nên nghĩ cho kỹ, tính cho chín, tâu việc trị nước cho trẫm biết. Trẫm sẽ cố gắng quyết đoán ở bên trong, các khanh thừa hành ở bên ngoài'






Ảnh minh họa.


Lời chỉ dụ ngắn gọn, nhưng kiên quyết, nêu ra hai ý rất cụ thể, đó là: 'Trẫm quyết đoán ở bên trong' tức là các quyết sách của triều đình là do nhà vua quyết định. Còn 'các khanh thừa hành ở bên ngoài', tức là khẳng định các quan lại triều thần là kẻ thừa hành. Một sự khẳng định rất rõ ràng và cụ thể trong quan hệ vua tôi.


Cũng vào năm 1463, nhân việc cha con Nguyễn Xí - Nguyễn Sư Hồi ăn của đút có bằng chứng cụ thể, rõ ràng, vua Lê Thánh Tông có sắc dụ Nguyễn Sư Hồi rằng: 'Dương Quốc Minh bảo là Ngô Tây lấy 30 lạng bạc trao cho Nguyễn Hồ đến đút lót bọn ngươi.


Ngươi sai vợ lẽ ngươi nhận lấy. Vả khi trước nó đút lót cho cha ngươi (Nguyễn Xí) 50 lạng, nay chuyển sang đút lót cho ngươi (cộng) là 80 lạng, hiện còn ở nhà ngươi, ngươi lại không biết hay sao? Nay đặc sai quan Tư lễ giám Nguyễn Áng đem sắc chỉ tới bảo ngươi và đòi lấy 80 lạng đút lót ấy mang về. Ngươi có tội mà không ngại sửa bỏ tội lỗi thì sau này chắc chắn không bị tai họa'.


Hơn ai hết, Lê Thánh Tông biết rằng, các quan đã dựng mình lên thì cũng có khả năng phế truất mình, không có gì là khó. Thế nhưng, ông không thể nhắm mắt để cho tệ nạn hoành hành, làm mất lòng tin của dân. Ông đã 'đánh' vào vị quan đầu triều có thế lực nhất: Nguyễn Xí và con là Nguyễn Sư Hồi. Điều đó có tính chất cảnh báo, răn đe đối với tất cả các quan lại dưới quyền.


Tuy nhiên, ông cũng đánh giá được sự lợi hại của hai cha con Nguyễn Xí, nếu như họ bất mãn, phản lại mình, nên sau đó, ông lại có lời dụ nhằm xoa dịu: 'Ta vẫn tin ngươi. Dẫu có thư đó (tức thư cử người đến tịch thu 80 lạng bạc) cũng không hề suy giảm. Ngươi há không nên nghĩ cho kỹ để làm kế giữ mình ư?'.


Rõ ràng 80 lạng bạc đối với cha con Nguyễn Xí không đáng là bao, đối với triều đình thì chỉ là hạt cát. Tuy nhiên, Lê Thánh Tông ra chỉ dụ cho người đến thu hồi để nhắc nhở cha con Nguyễn Xí - Nguyễn Sư Hồi rằng, việc các ông ăn của đút, triều đình đã biết hết đấy. Ông cũng không lên án cha con Nguyễn Xí ngay trước triều đình (sợ họ bị bẽ mặt mà làm bậy, vì thế lực của họ lúc này rất lớn) mà chỉ cho người mang sắc chỉ (thực chất là thư tay) đến đòi tận nhà mà thôi.


Điều tế nhị là ở chỗ ấy. Cứ như thế, nhỏ nhẹ mà rất cương quyết, bằng những biện pháp 'lạt mềm buộc chặt', dần dần Lê Thánh Tông củng cố được địa vị và quyền lực của mình, mở ra một thời đại hoàng kim trong lịch sử việt Nam.


Mặc dù việc xử cha con Nguyễn Xí của vua Lê Thánh Tông là vậy nhưng ở thời Lê, trong Bộ luật Hồng Đức có những quy định rất cụ thể, nghiêm cấm những việc hối lộ, lãng phí công quỹ, nhất là trong các dịp lễ hội, khánh tiết Điều 44 của chương Hình Luật quy định: 'Những người đưa hối lộ mà xét ra việc của họ là sai trái, thì định tội hối lộ theo việc cụ thể đó. Người không phải việc của mình mà đi hối lộ thay người khác thì tội nhẹ hơn người ăn hối lộ hai bậc. Của hối lộ phải đem sung công'.


Theo những quy định này thì hành vi hối lộ dưới bất cứ hình thức nào cũng đều bị coi là có tội. Người đi hối lộ và kẻ nhận hối lộ đều bị nghiêm trị.


Cũng trong bộ luật này, Điều 8 của chương Tạp Luật quy định: 'Lãng phí của công thì bị xử biếm (tức là bị giáng chức). Trong lễ tân, khánh tiết, cấp dưới không được lấy của công để dâng biếu cấp trên. Không được dùng công quỹ biếu xén lẫn nhau. Bất cứ ai sai phạm đều bị nghiêm trị'.






Ảnh minh họa.


Luật nay: Nhận hối lộ có thể bị phạt tù chung thân đến tử hình


Hối lộ hiện nay ở Việt Nam được hiểu không phải là một hành vi độc lập mà bao gồm các hành vi độc lập: Đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Dưới góc độ khoa học Luật Hình sự Việt Nam, hối lộ được hiểu thống nhất bao gồm ba loại hành vi phạm tội tương ứng với ba tội hối lộ cụ thể - tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ.


Trong BLHS năm 1999 hiện hành (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng không định nghĩa thế nào là hối lộ. Theo đó, các phạm trù hối lộ, đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ chỉ được hiểu thông qua khái niệm nhận hối lộ đã ghi nhận tại Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ. Theo đó, nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo
yêu cầu của người đưa hối lộ.


Như vậy, hành vi thuộc nhóm hối lộ của ta hiện nay trước hết là hành vi vi phạm pháp luật, còn nó có trở thành tội phạm hình sự hay không thì còn phụ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi cụ thể. Trong nhóm hành vi hối lộ không phải mọi hành vi đều thuộc nhóm hành vi tham nhũng (chẳng hạn hành vi đưa hối lộ và môi giới hối lộ).


Theo điều 279 Bộ luật Hình sự, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 2 năm đến chung thân hoặc tử hình (tùy thuộc vào giá trị tiền xác định từ mức 2 triệu đồng trở lên). Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


Nếu chiếu theo quy định hiện hành, hai cha con Nguyễn Xí đương nhiên phải gánh chịu mức tội danh được quy định theo Điều 279 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên xác định mức hình phạt bao nhiêu là điều đáng bàn, bởi giá trị của 80 lạng bạc tương đương với số tiền bao nhiêu ở thời điểm này là rất khó. Hơn nữa, nếu số bạc trên là quà tặng để trưng bày mang ý nghĩa tình cảm (chứ không phải là quà hối lộ) thì khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với cha con Nguyễn Xí.


Pháp luật ngày nay cũng quy định, không chỉ riêng người nhận hối lộ, mà người đưa hối lộ cũng bị xử lý. Theo Điều 289 Bộ luật Hình sự, người có hành vi đưa hối lộ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt từ 1 năm cho đến chung thân (tùy vào giá trị tiền từ mức 2 triệu đồng trở lên). Tuy nhiên, pháp luật cũng đưa ra hướng mở với điều khoản: 'Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo
trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ'.


Trần Quyết






Theo nguoiduatin.vn