Nhìn một cách tổng thể, điều 25 BLHS đã quy định khá rõ về các căn cứ khiến một người đang bị truy tố được “miễn tội”.


Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng còn chưa “khớp”, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định của điều luật còn chung chung, dễ tạo ra khe hở để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng tùy tiện.











“Miễn” tùy tiện: Kẻ khóc, người cười


Được miễn TNHS nghĩa là một người có tội nhưng được pháp luật khoan hồng tha miễn. Ấy vậy mà thực tế có nhiều người được miễn tội vẫn không bằng lòng, vẫn cứ khiếu nại kêu oan, và oái oăm là ở chỗ việc họ khiếu nại kêu oan là có căn cứ.


Đơn cử một vụ án tai nạn giao thông từng làm đau đầu các cơ quan tố tụng huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Công an huyện Minh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Nguyễn Văn T về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Anh T kêu oan, khiếu nại rằng người có lỗi trong vụ tai nạn phải là anh L, người đã điều khiển xe rẽ phải không phát tín hiệu và không bảo đảm điều
kiện an toàn cho phương tiện khác dẫn đến việc gây ra tai nạn làm chết người.


Khi giải quyết vụ việc, ngay trong nội bộ các cơ quan tố tụng huyện Minh Hóa cũng có những quan điểm bất đồng. Về yếu tố lỗi của anh L, VKS huyện nói có, công an lại bảo không. Sau nhiều phiên họp án, cuối cùng liên ngành tố tụng quyết định miễn TNHS cho anh Nguyễn Văn T căn cứ theo khoản 1 điều 25 BLHS.


Dù được miễn tội nhưng anh T vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại. Bình luận về vụ án “kỳ cục” trên, một chuyên gia pháp lý cho rằng, việc VKSND huyện Minh Hóa căn cứ vào khoản 1, điều 25 BLHS để ra quyết định miễn TNHS và đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn T là giải pháp “hòa cả làng” để “chạy” tội cho anh L, và nguy hại hơn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và sai pháp luật.


Bởi lẽ việc anh T đang nuôi con nhỏ và thờ cúng vợ không phải thuộc vào quy định “... nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” tại khoản 1, điều 25 BLHS.


Tương tự, một vụ miễn TNHS khác cũng khiến những “người trong cuộc” dở khóc dở cười xảy ra ở tỉnh Hưng Yên. Năm 2007, ông Nguyễn Văn Ch. (ngụ phường Hiến Nam, TP.Hưng Yên) và 7 đồng phạm khác bị khởi tố, bắt giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” từng một thời “dậy sóng” dư luận tỉnh Hưng Yên.


Trong vòng hơn 3 năm giam bị tạm giam, với rất nhiều lần tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng vẫn không đủ căn cứ để kết tội các bị cáo, cuối cùng VKSND Tối cao đã ra quyết định miễn TNHS cho cả 8 bị can với lý do “hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.


Nhận định về vụ việc này, LS Đặng Văn Luân (Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Thái Bình), cũng là người bảo vệ quyền lợi cho những người bị khởi tố, cho rằng: “Đây là một vụ án oan sai do hình sự hóa quan hệ dân sự. Tuy nhiên, thay vì phải sòng phẳng, công tâm thừa nhận sai lầm để xin lỗi, minh oan cho họ thì cơ quan công tố cấp tối cao lại “lách luật” bằng cách áp dụng điều 25 BLHS để “ban ơn” miễn tội cho những
người bị làm oan. Đây chính là kẽ hở pháp luật”.


Căn cứ mù mờ, dễ áp dụng tùy tiện


Theo điều 25 BLHS quy định về miễn TNHS thì có 3 căn cứ miễn tội cho một người đã bị khởi tố, truy tố, xét xử đó là: Thứ nhất, người phạm tội được miễn TNHS nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.


Thứ hai, trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn TNHS. Thứ ba, người phạm tội được miễn TNHS khi có quyết định đại xá.


Nhìn một cách tổng thể, điều 25 BLHS đã quy định tương đối rõ về các căn cứ được miễn TNHS. Tuy vậy, thực tế áp dụng vẫn còn chưa “khớp”, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.


Cụ thể, thực tiễn tố tụng đang tồn tại vướng mắc là do các căn cứ quy định về việc được miễn TNHS còn khá khái quát, chung chung dẫn đến áp dụng tùy tiện, dễ dãi. Hiện chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định hành vi như thế nào là “không còn nguy hiểm cho xã hội” hoặc như thế nào là “mức thấp nhất hậu quả của tội phạm”. Bên cạnh đó, việc quy định “hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” cũng còn chung chung, dẫn đến nhiều cách hiểu, cách áp dụng
khác nhau.


Phải thống nhất quan điểm rằng, đối với những trường hợp được miễn TNHS thì chủ thể đã thực hiện hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm, việc xem xét TNHS là đúng người đúng tội nhưng do chủ thể đã có một trong những căn cứ theo điều 25 BLHS quy định nên được pháp luật tha bổng, khoan hồng.


Thế nhưng trong thực tế, quy định nhân đạo trên đang có nguy cơ “biến tướng” khi mà nhiều trường hợp hành vi vi phạm chỉ ở “nhẹ hều”, lẽ ra phải được miễn TNHS thì cơ quan tố tụng vì thiếu thiện chí nên vẫn “đè” ra để truy cứu TNHS đến cùng.


Ngược lại, có trường hợp người phạm tội được vận dụng quy định này để miễn tội vô căn cứ. Thậm chí trong nhiều trường hợp cụ thể, thay vì phải tuyên công dân không phạm tội và phải thực hiện việc xin lỗi, minh oan thì nay cơ quan tố tụng cũng làm thao tác ra quyết định miễn TNHS để “né” trách nhiệm bồi thường oan sai cho công dân bằng cách miễn tội cho chính những người đã bị họ đẩy vào vòng oan khuất.


Theo nhiều chuyên gia pháp lý, tới đây liên ngành tố tụng trung ương cần có hướng dẫn, giải thích cụ thể về vấn đề miễn TNHS để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, công bằng, đảm bảo không oan, không lọt.






Điều 25 Bộ luật Hình sự 1999: Miễn trách nhiệm hình sự


1. Người phạm tội được miễn TNHS, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.


2. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn TNHS.


3. Người phạm tội được miễn TNHS khi có quyết định đại xá.






Theo Pháp Luật Việt Nam






Theo nguoiduatin.vn