Quen thuộc vì chế định BCVND đã hiện hữu trong pháp luật về tố tụng hình sự của chúng ta đã 25 năm, xa lạ vì hầu như hình ảnh BCVND từ lâu “vắng bóng” tại các phiên tòa hình sự.


Vậy, BCVND là ai? Tới nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào chính thức điều chỉnh chuẩn mực để trở thành BCVND. Nhìn ra thế giới, ngoài nước ta không có nước nào có định chế BCVND trong pháp luật thực định.










Cần tập trung quy định về hoạt động bào chữa trong tố tụng hình sự vào chủ thể tư pháp duy nhất là Luật sư (ảnh minh họa).





Vẫn biết đặc thù nước ta là trải qua thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm gần một phần ba thế kỷ nên đệ tam quyền (quyền tư pháp) có phần bị xao lãng, bộ máy Nhà nước tập trung mọi phương tiện phục vụ cho công cuộc giải phóng đất nước. Công tác đào tạo đội ngũ người bào chữa chưa đáp ứng đòi hỏi của nền dân chủ pháp quyền. Có lẽ vì vậy mà lực lượng BCVND hình thành được xem như giải pháp mang tính tình thế!


Sau khi thống nhất đất nước, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quyết tâm xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, nền tư pháp nước nhà được đổi mới nhằm hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền. Hoạt động của cả hệ thống chính trị đều được luật hóa.


Đến nay, Nhà nước đã hai lần ban hành luật về tố tụng hình sự: Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 1988 và BLTTHS năm 2003. Tại điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTHS năm 1988 quy định: Người bào chữa có thể là BCVND. Điểm c khoản 1 Điều 56 BLTTHS năm 2003 quy định: Người bào chữa có thể là BCVND.


Lẽ ra, luật tố tụng hình sự cần xác định rõ người bào chữa trong vụ án hình sự. Không nên dùng cụm từ “người bào chữa có thể là...” dễ gây ngộ nhận.


Tại Điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTHS năm 1988 quy định: Người bào chữa có thể là người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo và Điểm b khoản 1 Điều 56 BLTTHS năm 2003 mở rộng thêm: Người bào chữa có thể là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.


Quá trình tham gia hoạt động tố tụng hình sự, chúng tôi chưa thấy người bào chữa là người đại diện của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Bởi vì, luật không quy định việc “ở tù thay” cho người phạm tội nên không thể đại diện (thay mặt) cho người vi phạm pháp luật hình sự.


Thông thường thì người chưa thành niên phạm tội được người thân của họ (cha, mẹ, anh, chị ...) là người đại diện giám hộ tham gia tố tụng với tư cách là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự thay cho bị can, bị cáo.


Đối với người bào chữa là Luật sư, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động: Pháp lệnh luật sư năm 1987 và năm 2000; Luật Luật sư năm 2006 và năm 2012.


Trong khi người bào chữa là Luật sư được quan tâm “nâng cấp”: Đã tốt nghiệp bằng cử nhân luật hoặc tương đương, người muốn trở thành luật sư còn phải trải qua hai năm tập sự hành nghề (trước đây), sáu tháng học lớp đào tạo hành nghề, một năm rưỡi tập sự hành nghề (hiện tại). Sau khi được xét tuyển phải trải qua thời gian đào tạo 12 tháng học tập kỹ năng hành nghề, 12 tháng tập sự hành nghề (từ đầu tháng bảy năm 2013 về sau).


Như vậy, để trở thành Luật sư, thời gian vừa đào tạo, vừa tập sự là hai năm. Cả hai giai đoạn huấn luyện vừa nêu trên đều phải trải qua kỳ thi hoàn tất khóa đào tạo và khóa tập sự hành nghề.


Đã vậy, học viên “Luật sư tương lai” không được tham gia các hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý, bào chữa cho thân chủ tại các cấp tòa án.


Còn BCVND thì sao? Họ phải học tập, rèn luyện kỹ năng chuyên môn để đáp ứng công việc của người “phụ tá công lý”, không có quy định nào đòi hỏi BCVND phải có bằng cử nhân luật, phải được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.


Cụm từ “nhân dân” của các nghề như quân đội nhân dân, công an nhân dân đều được đào tạo chuyên môn như nghiệp vụ về sử dụng vũ khí, tác chiến, nghiệp vụ điều tra, kỹ năng trinh sát, truy bắt tội phạm... còn BCVND thì không trải qua trường lớp chuyên môn nào cả thì làm sao họ làm tốt chức năng bào chữa cho người bị đặt vào vòng tố tụng?


Có thể khẳng định: Ngoài quy định vắn tắt trong BLTTHS (Điều 35 BLTTHS năm 1988, Điều 56 BLTTHS năm 2003), chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của BCVND. Trong khi đó, mọi ngành nghề đều được đào tạo chuyên môn còn BCVND thì “tùy cơ ứng biến”!


Tôi cho rằng, là Nhà nước pháp quyền thời hội nhập thì không thể tồn tại chế định BCVND trong hoạt động tố tụng hình sự. Bởi BCVND chẳng những không còn phù hợp với nền tư pháp tiến bộ mà chỉ mang tính hình thức, hữu danh vô thực mà thôi. Đã đến lúc nên “loại bỏ” chức danh BCVND ra khỏi quy định về người bào chữa trong BLTTHS.


Theo LS Trần Công Ly Tao - phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM (Pháp luật Việt Nam)







Theo nguoiduatin.vn