Theo Bộ Tư pháp, hiện cả nước còn hơn 288.000 việc (tương ứng số tiền khoảng 30.000 tỉ đồng) chưa được thi hành án dứt điểm. Trong đó có khoảng 48.000 việc (tương ứng số tiền gần 700 tỉ đồng) là khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành. Đây là số việc mà các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục, đã áp dụng những biện pháp cần thiết để tổ chức thi hành trong nhiều năm qua nhưng vẫn bế tắc.


Các trường hợp nào được miễn?


Vì vậy, Bộ Tư pháp đã đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết miễn thi hành án đối với những khoản thu ngân sách không có điều kiện thi hành nói trên để tiết kiệm được chi phí từ ngân sách, công sức và thời gian của các cơ quan thi hành án dân sự. Bởi lẽ hằng năm, riêng chi phí để xác minh, rà soát đã “ngốn” khoảng 60 tỉ đồng, trong khi không thu được thêm khoản tiền nào...


Theo dự thảo nghị quyết mà Bộ Tư pháp xây dựng, các trường hợp được miễn thi hành án cụ thể như sau:


Thứ nhất là trường hợp người phải thi hành án là cá nhân thuộc hộ nghèo hoặc không thuộc hộ nghèo nhưng bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, ở vùng đặc biệt khó khăn, bị tai nạn, mất khả năng lao động, bị bệnh hiểm nghèo nên không có điều kiện thi hành án.





Làm thủ tục kê biên thi hành án. Ảnh minh họa: HTD


Thứ hai là trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã xác minh nhưng không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án trong thời hạn ít nhất là năm năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án.


Thứ ba là trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) đã giải thể hoặc ngừng hoạt động nhưng không xác định được địa chỉ của doanh nghiệp và người nhận chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.


Thứ tư là trường hợp người phải thi hành án có quốc tịch nước ngoài đã xuất cảnh nhưng không có tài sản ở Việt Nam, cơ quan chức năng đã thực hiện việc tương trợ tư pháp để xác định địa chỉ, tài sản của họ ở nước ngoài nhưng không có kết quả.


Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn đề xuất miễn thi hành án đối với án phí cùng các quyết định thu nộp ngân sách trong các bản án hình sự mà vi phạm của người bị kết án đã được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 quy định không còn là tội phạm.


Còn nhiều băn khoăn


Bà Trịnh Thị Thanh Bình (đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre) cho rằng nguyên nhân để tồn tại tình trạng án tồn đọng quá lâu không thi hành được, gây mất một nguồn thu lớn cho ngân sách xuất phát từ cơ chế chứ không phải do cơ quan thi hành án. Chẳng hạn, pháp luật hiện chưa có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng “doanh nghiệp ma” bỗng dưng biến mất...


Theo bà Bình, những án tồn không thể thi hành thì cần thiết phải xóa để tránh tốn kém thêm chi phí theo dõi. Tuy nhiên, với trường hợp thi hành án phần dân sự trong bản án hình sự thì cần phải cân nhắc cho hợp lý bởi liên quan đến việc xét đặc xá cho phạm nhân, chuyện xóa án tích...


Ông Nguyễn Công Long (Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội) thì băn khoăn: “Luật Thi hành án dân sự đã quy định miễn thi hành án cho một số trường hợp không có khả năng thi hành án. Nay nếu ban hành thêm nghị quyết này, hóa ra Quốc hội ban hành hai văn bản khác nhau để điều chỉnh cùng một vấn đề thì chưa ổn. Nên chăng chỉ ra nghị quyết để điều chỉnh một vấn đề cá biệt, chẳng hạn lập một danh sách những trường hợp không thể thi hành án để xin miễn”.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ trưởng Vụ Kiểm sát thi hành án VKSND Tối cao) cũng thắc mắc: “Tại sao chúng ta không khoanh 48.000 việc này lại, cắt ra để theo dõi riêng? Nó sẽ không phát sinh thêm nữa và cũng không được ghi là án tồn vào năm sau. Làm như thế sẽ không cần phải tốn chi phí xác minh”.


Theo đại diện Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao, với án tồn đọng không thể thi hành thì cần phải phân tích rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan để chấn chỉnh, xử lý. “Nếu đối tượng miễn tràn lan, không rõ ràng thì người dân sẽ không tin công việc mà cơ quan thi hành án làm. Trên thực tế, đối tượng phải thi hành án luôn tìm cách né tránh thi hành án. Vì vậy, đối tượng miễn phải đúng, nếu
không sẽ không thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật” - ông nhấn mạnh.






Bức tranh án tồn đã bị hiểu nhầm


Trên thực tế, bức tranh án tồn từ trước đến nay đã bị người dân hiểu nhầm. Khoảng 48.000 việc dự kiến xin miễn thi hành án lần này là những việc không thể thi hành được vì đương sự không có tài sản. Các cơ quan thi hành án dân sự đã trải qua một thời kỳ theo dõi nhưng vẫn không tìm được tài sản. Nguyên nhân hoàn toàn là do khách quan, khi mà cơ quan thi hành án đã áp dụng hết các biện pháp trong nhiều năm nhưng không tìm ra tài sản hay không tìm ra địa chỉ. Nguyên
nhân sâu xa hơn nữa cũng không phải lỗi do tòa án mà lỗi do cơ chế. Luật quy định cho phép tòa tuyên mà không thẩm định là mức đó thì đương sự có thể thi hành án được hay không, trong khi ở nước ngoài, người ta còn có hội đồng tư vấn xác minh trước để tuyên cho phù hợp thực tế...



Thứ trưởng Bộ Tư pháp NGUYỄN ĐỨC CHÍNH


Nên chấp nhận


Số tiền khoảng 700 tỉ đồng rất lớn, nếu miễn thì ngân sách Nhà nước sẽ thất thu nhưng nếu để lại cũng không thể thi hành được. Vì vậy, cần nghiên cứu để thuyết phục Quốc hội chấp nhận để tránh tốn thêm khoản tiền theo dõi. Vấn đề đặt ra ở đây là một đương sự đang được xét miễn thi hành án nhưng cũng chính người đó phát sinh thêm nghĩa vụ thi hành án ở một bản án khác thì có được miễn nữa hay không? Hay một người được miễn thi hành án, sau đó phạm tội thì có được
tiếp tục miễn án phí… hay không?



TRẦN THỊ HỒNG VIỆT, Chánh Văn phòng TAND TP.HCM


Xác định rõ đối tượng được miễn


Cần phải có hướng dẫn cụ thể về đối tượng được miễn vì quy định như dự thảo mang tính định tính nhiều hơn. Chẳng hạn, dự thảo nêu người không có tài sản sẽ được miễn nhưng như thế nào được coi là không có tài sản? Tiêu chí hộ nghèo của mỗi tỉnh cũng khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý chi tiết này.


NGUYỄN ANH HOA,
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương



Còn quy định chưa thực tế


Quy định miễn thi hành án cho người có quốc tịch nước ngoài đã xuất cảnh mà không có tài sản tại Việt Nam với điều kiện đã thực hiện thủ tục tương trợ tư pháp để xác định địa chỉ, tài sản của họ ở nước ngoài nhưng không có kết quả là chưa thực tế. Những án này đã quá lâu rồi không thể thi hành án được. Cạnh đó, có những khoản thu rất nhỏ mà vẫn buộc cơ quan thi hành án thực hiện thủ tục tương trợ tư pháp là rất tốn kém, trong khi hầu như sau đó đều không có kết quả
gì.



Một lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu






Theo Tiến Hiểu (Pháp luật TP HCM)






Theo nguoiduatin.vn