Ngày 4-3, Thường trực HĐND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992. Cùng thời điểm, UBND TP Đà Nẵng cũng tổ chức hội nghị lần 2 góp ý cho dự thảo HP sửa đổi. Theo đó, nội dung về quyền con người, quyền công dân, chính quyền địa phương… tiếp tục được nhiều chuyên gia cho ý kiến.


Không thể hạn chế quyền con người


Theo luật sư Bùi Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, quyền con người rất thiêng liêng và cao cả, phàm là con người thì họ phải được hưởng một cách đương nhiên như quyền sống, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng… Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân đôi khi phải bị giới hạn vì nhiều lý do chủ quan, khách quan tùy vào hoàn cảnh, tình hình của đất nước. “Chúng ta không thể lấy pháp luật để hạn chế quyền con người, đã là quyền sống thì phải được sống vô điều kiện. Do đó, khoản 2 Điều 15 của dự thảo phải sửa lại là “Quyền con người luôn được tôn trọng, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết…”” - ông nhấn mạnh.


Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Xuân Mai - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ góp ý: Điều 21 dự thảo quy định “Mọi người có quyền sống”, về mặt câu từ là quá ngắn gọn, chưa đặc tả hết quyền được sống của con người và chưa quy định rõ nghĩa vụ Nhà nước phải bảo đảm cho mọi người có quyền được sống đúng nghĩa của một con người đang sống tự do và tự quyết. Hơn nữa, quyền này có bị giới hạn hay không và giới hạn như thế nào cũng là vấn đề đáng suy nghĩ.





Luật sư Nguyễn Xuân Mai (Cần Thơ) cho rằng cần quy định nghi can có quyền được im lặng cho đến khi có mặt người bào chữa chứng kiến trong lần hỏi cung đầu tiên. Ảnh: CTV


Cũng về vấn đề này, luật sư Đỗ Pháp, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, thẳng thắn: “Tôi thấy quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người còn rất chung chung. Ví dụ, Điều 21 quy định mọi người có quyền sống. Đây là quyền đương nhiên không một ai có thể xâm phạm. Nếu vẫn giữ điều này thì theo tôi nên thêm cụm từ “mọi người có quyền sống và mưu cầu hạnh phúc”. Bởi quyền mưu cầu hạnh phúc được hiểu là người dân được thực hiện tất cả các quyền mà pháp luật không cấm,
trong đó có cả quyền được biểu tình…”.


Hiến định khái niệm “nghi can”


Luật sư Nguyễn Xuân Mai cũng góp ý xung quanh vấn đề bảo vệ quyền con người và đề xuất các biện pháp thực thi bảo đảm các quyền này trong lĩnh vực tư pháp. Cụ thể, theo ông Mai, khoản 3 Điều 32 của dự thảo quy định quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa. Ông Mai cho rằng quy định như vậy là quá đơn giản và trong thực tế có rất nhiều rào cản mà nghi can khó có điều kiện thực hiện trong thực tế vì rất nhiều lý do...


“Do đó có nhiều ý kiến đề nghị phải quy định rõ nghi can có quyền yêu cầu cung cấp công khai danh sách, địa chỉ của người bào chữa; được liên lạc hoặc gặp người bào chữa do nghi can chọn; có quyền được liên lạc với gia đình hoặc người thân để ủy quyền ký hợp đồng với người bào chữa. Quan trọng nhất là nghi can phải có “quyền được im lặng” cho đến khi có mặt người bào chữa chứng kiến trong lần hỏi cung đầu
tiên. Các bản lấy lời khai nghi can không có người bào chữa chứng kiến không được sử dụng làm chứng cứ để buộc tội” - luật sư Mai góp ý.


Ông Mai cũng cho rằng dự thảo nên chăng sử dụng từ “nghi can” thay cho “người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam” vì như vậy sẽ thuận theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Bởi nếu còn sử dụng những cụm từ “người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam” thì có thể được hiểu theo cách thông thường là họ đã có tội và như vậy thì nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được sử dụng hết.






Cần có cách thu hút nhân dân góp ý cho Hiến pháp


Ngày 4-3, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và đoàn công tác đã kiểm tra công tác lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) tại TP Cần Thơ. “Cần Thơ với dân số khoảng 1,2 triệu người nhưng chỉ mới khoảng 12.000 lượt người tham dự, góp ý đóng góp cho dự thảo sửa đổi HP, đạt tỉ lệ khoảng 1%. Do đó thời gian tới cần có những cách thức để tập hợp ý kiến góp ý, đặc biệt là của người dân. Bao nhiêu hội nghị, bao nhiêu ý kiến của nhân dân phải đếm được, tính được
một cách khoa học. Không thể nói đại đa số, ước lượng” - ông Lưu yêu cầu.



Ông Lưu cũng cho biết thời hạn 31-3 kết thúc lấy ý kiến là để tổng hợp báo cáo, chỉnh sửa sau đó trình QH vào tháng 5-2013. Từ tháng 5 đến tháng 10-2013 là khoảng thời gian tiếp tục tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp cho dự thảo trước khi QH thông qua vào cuối năm nay.


Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, nhìn nhận thời gian qua việc lấy ý kiến chủ yếu tập trung nhiều vào cán bộ, cán bộ hưu trí… Thời gian tới sẽ tập trung lấy ý kiến đối với nông dân, công nhân lao động và tiểu thương.


GIA TUỆ


Chính quyền đô thị chưa rõ ràng


Góp ý về chương Chính quyền địa phương (CQĐP) trong dự thảo HP sửa đổi, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho rằng việc hiến định mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương phải là UBND như dự thảo sẽ cản trở khả năng áp dụng nguyên tắc thủ trưởng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính của CQĐP. Trong khi đó, bản chất của cơ quan hành chính là hoạt động phải khẩn trương, nhanh nhạy, quyết định những vấn đề phát sinh hằng ngày, phải
quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Do vậy cần áp dụng chế độ thủ trưởng thì mới phát huy được tốt nhất.



Ông Phạm Văn Hiểu, Bí thư Quận ủy Ninh Kiều (Cần Thơ), cũng nhận xét dự thảo vẫn chưa xác định nguyên tắc căn cơ nhất để xây dựng CQĐP là “bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của CQĐP trong phạm vi được phân cấp” mà các văn kiện Đại hội lần thứ X, XI của Đảng đã đề ra.


“Tôi kiến nghị phải làm rõ vấn đề này và chương này phải làm rõ CQĐP là ai? Nguyên tắc chung là phải tăng tính tự chủ của CQĐP, nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử về đảm bảo lợi ích của địa phương. Không để xảy ra tình trạng một đô thị mà chính quyền không có quyền gì, như việc quyết định vấn đề cư trú hay xử phạt hành chính…, trong khi tất cả các quyền đó là quyền tự chủ của một chính quyền đô thị ở địa phương. Song song đó, cần khẳng định trong HP một cách
dứt khoát rằng phạm vi lợi ích của địa phương không được trái với lợi ích của quốc gia” - ông Hiểu nêu ý kiến.



Tôi đề nghị rút khỏi dự thảo Điều 10 về Công đoàn Việt Nam. Vì HP chỉ nên có một số ít điều và nội dung phải là những vấn đề quan trọng nhất, khái quát nhất của thể chế chính trị. Chưa kể, nếu duy trì điều này thì phải cần thêm bốn điều cho các tổ chức chính trị xã hội khác như: Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh bởi họ cũng đang đòi quyền lợi của mình phải được đưa vào HP
lần này.



Ông NGUYỄN ĐÌNH AN, nguyên Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ
)






Theo NHẪN NAM - LÊ PHI (Pháp luật TP HCM)







Theo nguoiduatin.vn