Trong giai đoạn điều tra ban đầu, cơ quan điều tra (Công an quận 2, TP.HCM) cho rằng hành vi của Thiều Văn Quang đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản, đề nghị VKS phê chuẩn quyết định khởi tố. Tuy nhiên, VKS không đồng tình...


Khốn khó sinh… làm bậy


Cuối tháng 10-2012, Quang rủ hai người bạn đi uống cà phê để giải sầu. Qua trò chuyện, cả ba đều than thở đang bị khốn khó, không có tiền xài lặt vặt, cà phê, nhậu nhẹt nên bàn cách “làm ăn” lớn.


Kế hoạch đề ra là cả nhóm sẽ đến một trường đại học ở phường Thảo Điền (quận 2) gửi xe cũ của mình. Sau đó xem xe nào mới, có giá trị thì cả nhóm lấy biển số giả mang theo (giống xe vừa gửi vào), dùng keo hai mặt dán vào biển số xe định lấy rồi cứ đàng hoàng dắt ra ngoài bằng thẻ của xe ban đầu.





Mọi việc diễn ra khá hoàn hảo khi hai người trong nhóm đã đưa được hai chiếc xe ra ngoài và… biến mất. Tuy nhiên, đến lượt Quang, vừa ra khỏi bãi giữ xe khoảng 10 m thì bị bảo vệ và chủ xe phát hiện, truy đuổi, bắt quả tang.


Qua xem xét, cơ quan điều tra cho rằng Quang đã lén lút trộm xe của nạn nhân nên xem xét khởi tố Quang về tội trộm cắp tài sản và đề nghị VKS phê chuẩn...


Sau khi nghiên cứu, VKSND quận 2 phân tích việc đánh tráo biển số xe để chiếm đoạt đã được nhóm Quang bàn tính trước. Đây là thủ đoạn gian dối đi liền với việc chiếm đoạt. Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS...


Trộm hay lừa?


Xung quanh vụ án đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Luật sư Tạ Quang Tòng (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) phân tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Rõ ràng, các đối tượng này không hề có động thái gian dối nào để chủ sở hữu giao tài sản và cũng không ai biết việc họ làm.


Theo luật sư Tòng, hành vi trên có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản. Việc nhóm Quang công nhiên đi vào gửi xe, làm biển số giả, thản nhiên đưa thẻ xe để đi ra chỉ là yếu tố phụ. Phải xác định rõ hành vi chính là nhóm Quang đã lén lút (không ai biết), bí mật chuyển dịch xe máy của người bị hại một cách trái pháp luật...


Ngược lại, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng bản chất của vụ án là việc nhóm Quang thực hiện hành vi gian dối khi làm biển số xe giả lắp vào những xe có giá trị để chiếm đoạt. Trong vụ này, nhóm Quang không hề có hành vi lén lút trộm. Nhóm đã công khai đi vào, đi ra. Với hoàn cảnh này, cần xác định người bị hại là người giữ xe (người quản lý tài sản) chứ không phải chủ sở hữu chiếc xe. Nhóm Quang đã lừa được người giữ xe khiến
họ nhầm tưởng là xe của khách nên mới cho đi ra. Hành vi trên đã cấu thành tội lừa đảo…






Đó là lừa đảo


Ngay từ đầu, nhóm Quang đã có hành vi gian dối là làm biển số xe giả nhằm mục đích tráo xe rồi chiếm đoạt. Việc này đã lừa được người giữ xe, đồng thời nhóm Quang cũng đã lấy được tài sản. Mặt khác, nhóm Quang công nhiên đi ra, đi vào chứ không phải lén lút nên xác định tội trộm cắp là không chính xác. Khi làm vụ án, có thể cơ quan điều tra chưa xác định rõ hành vi khách quan, động cơ, mục đích chính của người phạm tội… dẫn đến việc xác định tội danh
chưa đúng. Vụ này cần phải xử lý theo hướng nhóm Quang đã lừa đảo để lấy xe…



Kiểm sát viên CAO KỶ DƯƠNG, VKSND huyện Vĩnh Cửu
(Đồng Nai)







Theo Phan Thương ( Pháp luật TP HCM)






Theo nguoiduatin.vn