Có lẽ chỉ ở TAND Tối cao, khái niệm thẩm tra viên mới được nhắc đến thường xuyên, còn ở các tòa án địa phương, nhất là ở cấp huyện hầu như ít người biết thẩm tra viên là gì.


Theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì ở tòa án các cấp không có quy định về chức danh thẩm tra viên. Tuy nhiên, hiện nay có một số cán bộ tòa án vẫn được gọi là thẩm tra viên. Khái niệm thẩm tra viên cũng được nhắc đến tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư khi quy định về các trường hợp được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.


Thẩm tra viên là công chức chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thẩm tra các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính hoặc lao động. Tuy không phải là người tiến hành tố tụng nhưng là một chức danh cũng rất quan trọng trong hoạt động xét xử của tòa án, nhất là ở các tòa chuyên trách của TAND Tối cao. Chức danh thẩm tra viên được xác lập từ khi có Quyết định số 788 ngày 8-10-1993 của bộ trưởng, trưởng Ban
Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức thẩm tra viên ngành tòa án.


Theo bản tiêu chuẩn nghiệp vụ thẩm tra viên được ban hành kèm Quyết định số 788 thì thẩm tra viên ngành tòa án có ba loại: thẩm tra viên cao cấp, thẩm tra viên chính và thẩm tra viên. Tiêu chuẩn, chức trách của mỗi loại thẩm tra viên này cũng được quy định cụ thể. Nếu đạt được các tiêu chuẩn như Quyết định số 788 thì trình độ, năng lực của thẩm tra viên khá cao, một số lĩnh vực còn cao hơn cả thẩm phán. Có như vậy thẩm tra viên mới phát hiện được những sai lầm thiếu sót của thẩm phán, kể cả
thẩm phán TAND Tối cao; bảo đảm đáp ứng được yêu cầu của việc thẩm tra lại các vụ án.


Quy định là vậy nhưng nhìn chung đội ngũ thẩm tra viên chưa bảo đảm tiêu chuẩn, khả năng tổng hợp và đề xuất hướng giải quyết vụ án sau khi thẩm tra còn hạn chế. Chưa có thẩm tra viên nào chủ trì xây dựng những dự án luật, pháp lệnh, các thông tư, chỉ thị, nghị quyết của TAND Tối cao; nghiên cứu các đề tài khoa học pháp lý được phân công…





<address style='color: #333333; font-style: normal; font-variant: normal; font-weight: 500; letter-spacing: normal; line-height: 20px; text-align: center; text-indent: 0px; text-transform: none; white-space: normal; word-spacing: 0px; '>
ảnh minh họa
</address>

Sự phân biệt giữa ba loại thẩm tra viên chủ yếu căn cứ vào hệ số lương chứ không phải về trình độ năng lực. Để khắc phục, TAND Tối cao đã giao cho Trường Cán bộ tòa án mở lớp đào tạo thẩm tra viên nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, chương trình cũng như nội dung đào tạo như thế nào cũng còn phải tiếp tục nghiên cứu; đối với đội ngũ thẩm tra viên hiện có cũng cần bồi dưỡng, đào tạo lại như thế nào để bảo đảm các tiêu chuẩn mà Quyết định số 788
đã quy định.


Vấn đề đặt ra là: Quyết định số 788 ban hành từ năm 1993, trước khi Luật Tổ chức TAND 2002 có hiệu lực, lại là quyết định của cơ quan hành pháp. Trong khi đó theo quy định của Luật Tổ chức TAND thì tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương cũng như các chức danh của tòa án đều do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Chưa kể, ngay trong Luật Tổ chức TAND cũng không quy định gì về chức danh thẩm tra viên.


Vì vậy, thiết nghĩ TAND Tối cao cần xây dựng tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ thẩm tra viên, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn để làm căn cứ pháp lý nhằm đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch đối với từng loại thẩm tra viên.


Theo Đinh Văn Quế, cựu chánh tòa hình sự Tòa án tối cao (Pháp luật TP HCM)






Theo nguoiduatin.vn