Mới đây, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm trong vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty TNHH Thái Bình Minh và Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh theo hướng hủy án để xét xử lại.


Sửa án vì nhận định sai


Theo hồ sơ, tháng 10-2007, Công ty Thái Bình Minh ký hợp đồng bảo hiểm tàu sông, tàu ven biển với Công ty Bảo Minh Bắc Ninh, mức phí bảo hiểm hơn 22 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng. Đối tượng bảo hiểm là tàu Thái Bình Minh, phạm vi thân tàu trong điều kiện hoạt động đúng vùng tuyến quy định. Nếu bị tổn thất toàn bộ thì được bảo hiểm 3 tỉ đồng bao gồm cả phí trục vớt, bảo hiểm đối với thuyền viên sáu người với số tiền bảo hiểm 20 triệu đồng/người.


Tháng 1-2008, Công ty Thái Bình Minh nhận một hợp đồng vận chuyển 770 tấn quặng sắt từ Bến Vát, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đến cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ngày 14-1-2008, tàu Thái Bình Minh làm thủ tục xuất nhập cảnh, kiểm tra hàng hóa tại cảng, được thông qua và có lệnh xuất bến. Hôm sau, tàu xuất bến trong điều kiện thời tiết bình thường, vận chuyển không quá trọng tải, các thủy thủ,
thuyền trưởng, thuyền viên đều đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật. Sau khi rời cảng theo tuyến luồng lạch ven biển, chiều cùng ngày, tàu đến gần cảng Phòng Thành thì gặp gió xoáy nên bị đắm. Sáu thủy thủ được tàu cá Trung Quốc cứu sống, một thuyền viên bị mất tích.





Ngay sau khi tàu gặp nạn, Thái Bình Minh đã thông báo cho Bảo Minh biết, sau đó gửi công văn báo thiệt hại về người và tài sản và đề nghị Bảo Minh chi trả bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng nhưng bị từ chối. Vì thế, Thái Bình Minh đã khởi kiện Bảo Minh ra TAND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu bồi thường 3,25 tỉ đồng, gồm bảo hiểm thân tàu, trách nhiệm dân sự, thuyền viên và các chi phí khác.


Xử sơ thẩm tháng 12-2008, TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên buộc Bảo Minh phải bồi thường cho Thái Bình Minh 3 tỉ đồng. Sau đó, Bảo Minh kháng cáo. Tháng 6-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm đã nhận định nguyên nhân dẫn đến tàu đắm là do bên được bảo hiểm cố ý hoặc quá cẩu thả gây tai nạn nhằm mục đích để được bồi thường bảo hiểm. Từ đó tòa này sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Thái Bình Minh.


Theo chánh án TAND Tối cao, việc cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm là không đúng bởi căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ của vụ án thì nguyên nhân của tai nạn không phải do bên được bảo hiểm gây ra như nhận định của cấp phúc thẩm. Trong vụ này bản án sơ thẩm xác định Bảo Minh phải bồi thường cho Thái Bình Minh là hoàn toàn có căn cứ.


Hủy án thiếu căn cứ


Ngoài vụ án trên, TAND tỉnh Bắc Ninh còn đưa ra rút kinh nghiệm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Cổ phần Thép Việt Ý với Công ty Cổ phần Kim khí Hưng Yên. Theo TAND tỉnh Bắc Ninh, bản án sơ thẩm mà tòa này xử đã bị cấp phúc thẩm hủy án thiếu căn cứ.


Theo hồ sơ, trong hai năm 2006 và 2007, Thép Việt Ý và Hưng Yên đã ký bốn hợp đồng kinh tế với nội dung Thép Việt Ý mua 16.000 tấn phôi thép các loại trị giá 118 tỉ đồng của Hưng Yên. Sau khi ký hợp đồng, Thép Việt Ý đã tạm ứng cho đối tác hơn 78 tỉ đồng. Nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, Hưng Yên không giao đủ số lượng như cam kết. Vì thế Thép Việt Ý đã khởi kiện Hưng Yên ra TAND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu phải thanh toán và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng với số tiền hơn 28 tỉ
đồng.


Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2009, TAND tỉnh Bắc Ninh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Thép Việt Ý, buộc Hưng Yên phải bồi thường hơn 28 tỉ đồng.


Phía Hưng Yên kháng cáo. Tháng 4-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng cấp sơ thẩm không đưa một số cá nhân vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...


Ba tháng sau, TAND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét kháng nghị theo hướng hủy bản án phúc thẩm trên. Chánh án TAND Tối cao đã đồng tình với kiến nghị này và ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng giữ nguyên bản án sơ thẩm.


Theo chánh án TAND Tối cao, về mặt hình thức, việc cấp phúc thẩm yêu cầu đưa một số cá nhân tham gia tố tụng, lấy lời khai, đối chất... là không chính xác, không cần thiết. Về mặt nội dung, cấp sơ thẩm đã quyết định đúng nhưng cấp phúc thẩm lại hủy là không có căn cứ.


Theo Hoàng Yến (Pháp luật TP HCM)






Theo nguoiduatin.vn