Ngày bé, Tươi vẫn phát triển bình thường như bao bạn bè cùng lứa tuổi. Thế nhưng khi lớn lên, cô có những biểu hiện khác thường như lẩm bẩm nói một mình, cười vô hồn, phá hủy đồ đạc trong nhà. Mỗi khi thay đổi thời tiết, bị kích động lớn, cô đều có những hành động mất kiểm soát trên. Đưa Tươi đi khám, bố mẹ cô mới biết Tươi bị bệnh tâm thần.


Nỗi đau đớn cô con gái xinh đẹp, độc nhất của mình là người tâm thần chưa kịp lắng xuống, bố mẹ Tươi phải gánh chịu thêm nỗi đau đớn cô có thai. Tìm đủ mọi cách gặng hỏi, dỗ dành xem bố đứa bé là ai, Tươi vẫn im lặng không nói, chỉ cười ngờ nghệch. Lúc tỉnh cô nói với bố mẹ: 'Anh ấy nói anh ấy rất yêu con. Con hãy đợi để anh ấy xin phép gia đình cưới con'.


Nghe cô nói vậy, bố mẹ cô muối mặt để đợi và tìm cách hỏi người đàn ông ấy là ai. Một tuần, một tháng trôi qua vẫn không có tin tức gì, biết con gái bị lạm dụng, gia đình đành mang cô đi phá thai. Trước cửa phòng phá thai, Tươi vẫn cười ngô nghê trong khi khuôn mặt của mẹ và dì cô rầu rĩ. Đến khi lên bàn nạo thai, thấy bác sỹ nói nằm im để lấy cái thai ra, Tươi bật dậy khóc như mưa: 'Con đã không có chồng ở bên, tại
sao lại lấy đi đứa con của con'. Nghe câu nói ấy, không ai cầm được nước mắt.





Luật sư Trương Quốc Hòe


Chỉ vì lời nói gió bay của gã sở khanh, dù tâm thần Tươi vẫn tin tưởng tuyệt đối. Nếu như là người bình thường, nhận thức được sự việc, Tươi sẽ biết cách tránh được những tổn thương trên. Nhìn những hành động ngờ nghệch, vô hồn của Tươi, ai cũng hiểu nỗi đau họ đang gánh chịu. Thế nhưng họ không thể tìm ra kẻ đã nhân thêm nỗi đau này. Sau lần ấy, Tươi bị nhốt chặt ở trong nhà mỗi khi bố mẹ cô đi làm. Có hôm Tươi phải nhịn
đói vì bố mẹ bận việc không về kịp. Đưa vào trại tâm thần, họ không nỡ lòng.


'Đây chỉ là một trong số những trường hợp tôi đã từng chứng kiến trong bao năm làm luật sư của mình. Bởi người tâm thần không phải lúc nào họ cũng điên, có những lúc họ vô cùng tỉnh táo. Do đó, họ thường bị các đối tượng xấu lợi dụng làm những việc phạm pháp. Nhiều trường hợp, kẻ xấu còn đi thuê những người bị tâm thần để phục vụ mục đích làm lợi cho bản thân họ”, luật sư Trương Quốc Hòe, chia sẻ.


Theo luật sư Hoè, việc lợi dụng người tâm thần để làm việc trái pháp luật không chỉ người lạ, đôi khi chính người thân, người giám hộ cũng lợi dụng người tâm thần. Theo điều 13, Bộ luật Hình sự năm 2009, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.


Bên cạnh đó, tội phạm thường lợi dụng kẽ hở của pháp luật: Lời khai của người bị bệnh tâm thần không thể làm căn cứ để buộc tội hoặc làm căn cứ cho cơ quan tố tụng. Để tránh tình trạng này, pháp luật đòi hỏi người tâm thần phải có người giám hộ, tuy nhiên thực tế, người giám hộ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh người bệnh. Cách tốt nhất để tránh tình trạng trên chính là gia đình người tâm thần luôn phải cảnh giác và có phương án đề phòng khi người bệnh tiếp xúc với người lạ. Bên cạnh đó cần
có những quy chế, quy định nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu tối đa hành vi lợi dụng người tâm thần để làm việc trái pháp luật của kẻ xấu.


Tạ Mây


(*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)






Theo nguoiduatin.vn