Trong truyện Kiều có phần nói về gia đình Thúy Kiều bị nạn. Cả nhà nàng loay hoay tìm cách giải quyết nhưng không biết dùng cách nào. Dùng tiền của gia đình, bọn sai nha đã sạch sành sanh vét! Ba người đàn bà còn lại: Mẹ, em gái, bản thân Kiều, ai sẽ đứng ra gánh vác? Nhưng bằng cách nào? Có người trách Kiều sao không chạy theo
cầu cứu Kim Trọng? Kiều không thể làm việc ấy bởi hai lẽ.


Một là chuyện tình duyên của hai người vẫn còn trong tình trạng phải giấu giếm, danh nghĩa gì mà công khai trước cha mẹ, họ hàng của chàng trai cầu cứu, giúp đỡ. Hai là, nếu Kim Trọng muốn giúp Thúy Kiều tất phải quay trở lại (bởi số tiền ấy quá lớn. Thúy Kiều bán thân, bán cả cuộc đời mới có được). Mà Kim quay lại thì bỏ dở việc hộ tang chú, đánh mất chữ hiếu của con nhà gia giáo! Chỉ còn có cách Thúy Kiều phải bán thân. Nhưng nếu làm vậy, lời thề với chàng Kim sẽ ra sao? Nguyễn Du đã đưa
Kiều vào một tình thế vô cùng khó xử: Làm thế nào để cốt nhục vẹn tuyền (cốt nhục là xương thịt, tình cha con).


Điều ấy Kiều xác nhận là trước tiên. Và, Kiều cho rằng làm người phải tùy theo hoàn cảnh mà xử sự (ngộ biến tòng quyền). Nhưng Kiều đã đặt lên cán cân lương tâm: Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn? Đặt lên bàn cân để suy nghĩ, để đắn đo, rồi Kiều tự quyết định: Với tình yêu, tuy lời thề chỉ mất đi kho biển cạn, núi mòn (thệ hải minh sơn), nhưng chuyện làm con mới là lớn: Làm con trước phải đền ơn sinh thành! Nguyễn Du đã hạ một câu thơ (hay là Thúy Kiều đã quyết
không một chút vương vấn, níu kéo): Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!


Sau khi nghe lời gã bán tơ tố cáo, một trong bọn tham quan tên là Chung, giả nhân giả nghĩa làm môi giới, đòi phải có 300 lượng bạc thì cha và em trai của Kiều mới không bị đưa ra tòa và có thể bị xử tử. Nhà đã nghèo, người tình Kim Trọng phải về quê lo tang chú, nay bất ngờ bị bọn tham quan hà hiếp làm sao gia đình Kiều kiếm ra 300 lượng bạc để đút lót cho bọn chúng. Vì trọng hiếu nghĩa hơn tình riêng, Kiều đành phải bán mình để có tiền chuộc cha và em trai.


Qua môi giới, Mã Giám Sinh quê ở Lâm Thanh, đã ngoài 40 tuổi, chịu bỏ tiền ra cưới Kiều về làm vợ. Kiều một giai nhân tài sắc vẹn toàn, giá ngàn vàng, thế mà bọn lưu manh kỳ kèo cuối cùng trả có hơn 400 lượng vàng. Sau khi giao kèo được ký kết, Kiều chờ ngày về nhà chồng, cha và em được thả ra. Thoát cảnh tù tội là điều vui mừng lớn lao, nhưng Vương ông thấy con gái phải bán thân mình thì đau buồn như cắt ruột. Cha mẹ nào chẳng mơ ước nuôi con đến khi khôn lớn chỉ mong sao con được hạnh phúc lứa đôi. Nay thì Vương ông vỡ mộng than thở 'Trời làm chi cực bấy trời. Này ai vu thác cho người hợp tan!'.


Thúy Kiều tuy cứu được cha và em khỏi cảnh tù đày, nhưng lòng buồn não nề. Cuộc tình vừa chớm nở đã phải ly tan...


Luật nay: Phạm tội mua bán người


Đúng là hồng nhan bạc phận. Đọc truyện Kiều đến đoạn tả cảnh gia đình Kiều lâm nạn và thân phận Kiều, người ta mới thấy cảm thương cho số phận những cô gái, vì chữ hiếu hay vì hoàn cảnh gia đình nghèo đói phải bán mình chuộc cha, cứu gia đình.


Tuy nhiên, xét toàn bộ nội dung vụ việc trên thấy rằng việc bán mình chuộc cha của Thúy Kiều là một hành động không còn lối thoát, những người tham gia vào 'vụ' mua bán đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Chiếu theo những quy định của pháp luật thời nay thì hành vi mua bán người phải bị xử phạt nghiêm. Đối tượng có liên quan trong vụ việc trên là người môi giới tên Chung và người mua là Mã Giám Sinh. Ngay cả Kiều
cũng sẽ bị liên đới trong việc bán mình.


Tội mua bán người theo quy định tại Điều 119 BLHS ghi rõ: Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.


Tường Linh






Theo nguoiduatin.vn