Trong các trường hợp tương tự, có nên để một tòa án khác hoặc tòa cấp trên thụ lý, giải quyết để đảm bảo khách quan?


Tháng 8-2007, ông Trương Hoàng Hiếu đã bị Công an huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cố ý gây thương tích. Đầu năm 2008, TAND huyện này đã phạt ông Hiếu năm năm tù. Ông Hiếu kháng cáo kêu oan. Hai tháng sau, TAND tỉnh Sóc Trăng đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.


Tòa tự xử mình phải bồi thường oan


Đầu năm 2009, TAND huyện xử sơ thẩm lần hai, tiếp tục tuyên phạt ông Hiếu năm năm tù. Ông Hiếu lại kháng cáo kêu oan. Xử phúc thẩm lần hai, một lần nữa TAND tỉnh lại hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.


Sau quá trình điều tra lại không có kết quả, tháng 9-2010 cơ quan điều tra Công an huyện Mỹ Tú đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được tội phạm.


Nhận được quyết định trên, ông Hiếu đã làm đơn đề nghị TAND huyện Mỹ Tú (cơ quan làm oan sau cùng) bồi thường oan. Sau nhiều lần thương lượng, TAND huyện ra quyết định bồi thường cho ông Hiếu hơn 128 triệu đồng. Ông Hiếu không đồng ý nên khởi kiện TAND huyện Mỹ Tú ra chính tòa này, yêu cầu tòa bồi thường oan, tổ chức buổi xin lỗi công khai tại địa phương, đăng xin lỗi trên báo chí ba số liên tiếp…





Tháng 8-2012, TAND huyện Mỹ Tú đã mở phiên xử sơ thẩm mà đại diện bên bị kiện chính là chánh án của tòa này. Tòa nhận định việc xét xử oan của tòa đã gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ông Hiếu. Căn cứ vào Bộ luật Dân sự và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì tòa này phải có nghĩa vụ bồi thường cho ông Hiếu. Về các yêu cầu cụ thể, tòa chấp nhận một phần yêu cầu của ông Hiếu, bồi thường cho ông tổng cộng hơn 167 triệu đồng, đồng thời chấp nhận xin lỗi tại địa phương
và trên báo chí.


Có hợp lý?


Xung quanh vụ việc, nhiều bạn đọc thắc mắc: Theo luật, việc TAND huyện Mỹ Tú tự xét xử mình như vậy có được không? Trong các trường hợp tương tự, có nên để một tòa án khác hoặc tòa cấp trên xét xử để đảm bảo khách quan?


Trao đổi, các chuyên gia đều cho biết theo Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là TAND cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Do đó, trong vụ kiện trên, việc TAND
huyện Mỹ Tú thụ lý, giải quyết yêu cầu khởi kiện chính mình là đúng thẩm quyền.


Về vấn đề có nên để tòa án khác hoặc tòa cấp trên thụ lý, giải quyết án, chúng tôi đã nhận được hai luồng quan điểm khác nhau.


Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), một khi tòa “vừa là người xử vừa là người bị xử” thì rất dễ thiếu chính xác, thiếu khách quan. Vì vậy, trong các trường hợp tương tự, tòa huyện nên chuyển vụ án lên tòa tỉnh giải quyết nhằm đảm bảo tính pháp lý. Về việc chuyển vụ án sang một tòa cùng cấp khác, ông Đại cho rằng về lý thuyết thì được nhưng trong bối cảnh chưa có tiền
lệ hiện nay thì khó có thể thực hiện.


Ngược lại, luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam) và luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) lại cho rằng việc giữ nguyên thẩm quyền xét xử như hiện nay là hợp lý.


Theo luật sư Tám, trong trường hợp này, nếu tòa huyện có xử mình thua kiện đi chăng nữa thì tiền bồi thường cũng lấy từ ngân sách Nhà nước nên không phải e ngại về tính khách quan. Mặt khác, sau phiên xử sơ thẩm, nếu không đồng ý, đương sự còn có quyền kháng cáo để cấp phúc thẩm xem xét lại.


Luật sư Triết phân tích thêm: Ở đây, nói chính xác là đương sự yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của tòa gây ra. Chánh án tòa án bị khởi kiện chỉ là người đại diện cho bị đơn chứ không phải là người bị kiện trực tiếp. Vì vậy, việc chánh án đại diện tòa để hầu tòa cũng không gây áp lực gì cho HĐXX, dẫn đến mất khách quan. Cạnh đó theo luật, kết quả phiên tòa là ý kiến của HĐXX, gồm cả hội thẩm nhân dân chứ không chỉ riêng thẩm phán chủ tọa. Ngoài ra, còn có VKS, dư luận,
báo chí… giám sát phiên tòa.






Tòa huyện buộc tòa tỉnh bồi thường


Năm 1994, ông Nguyễn Hồng Cầu được UBND huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) giao đất trồng lúa trong thời hạn 20 năm. Ba năm sau, ông Cầu bị xã thu hồi một phần đất để giao cho người khác canh tác. Tiếc công cày bừa, gieo hạt đến gần ngày gặt hái, ông Cầu kêu vợ con ra ruộng gặt hết phần lúa của mình trồng được 261 kg mang về nhà. Người được xã giao đất đi trình báo công an, sau đó ông Cầu bị… khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản.


Tháng 6-1997, TAND huyện Tiên Lãng đã xử sơ thẩm, phạt ông Cầu ba tháng tù. Ông Cẩu kháng cáo kêu oan nhưng bị TAND TP Hải Phòng bác kháng cáo, chỉ giảm án cho ông xuống còn hai tháng 10 ngày tù. Giữa năm 1998, lãnh đạo TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm. Sau đó, Hội đồng Giám đốc thẩm TAND Tối cao đã tuyên ông Cầu không phạm tội, bị xử oan.


Ông Cầu khởi kiện ra TAND huyện Tiên Lãng yêu cầu TAND TP Hải Phòng phải bồi thường oan. Xử sơ thẩm, TAND huyện Tiên Lãng đã tuyên buộc TAND TP Hải Phòng phải bồi thường oan cho ông Cầu hơn 17 triệu đồng. Cuối năm 2008, TAND TP Hải Phòng xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm.


Chờ tòa sơ thẩmkhu vực


Theo tôi, việc tòa huyện tự xử mình là chưa ổn lắm. Tòa này đã từng xử oan thì ai có thể đảm bảo lần giải quyết bồi thường oan này họ sẽ khách quan trong việc áp dụng pháp luật? Chưa kể, giả sử cán bộ từng xử oan đó giờ lên làm lãnh đạo tòa thì thẩm phán giải quyết yêu cầu bồi thường oan sẽ “thăm dò, tranh thủ” ý kiến. Những nghi ngại về tính khách quan là có cơ sở vì dù sao cũng là
chuyện nội bộ của tòa với những cán bộ trong một tòa.



Để giải quyết lấn cấn này, theo tôi cần thời gian để tòa sơ thẩm khu vực ra đời. Khi đó, cơ cấu tòa án sẽ được tổ chức lại theo bốn cấp thì những vụ việc tương tự như trên sẽ có cách giải quyết đúng luật mà vẫn đảm bảo khách quan.


Luật sư LÊ THÀNH KÍNH, Đoàn Luật sư TP.HCM


Linh hoạt theo hai hướng


Tôi nghĩ nên chuyển vụ kiện cho tòa tỉnh xử sơ thẩm thì mới đảm bảo tính khách quan, tránh chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tuy nhiên, theo hướng này thì vướng là nếu đương sự kiện tòa tỉnh, TAND Tối cao sẽ không thể lấy vụ án lên xử sơ thẩm được. Do đó tôi đề nghị cách tốt nhất là có văn bản hướng dẫn cụ thể chia làm hai trường hợp: Nếu tòa huyện bị kiện thì tòa tỉnh lấy lên xử sơ
thẩm, còn nếu tòa tỉnh bị kiện thì tòa này vẫn giữ vụ án lại giải quyết. Như vậy vừa đảm bảo hai cấp xét xử, vừa giải quyết được nghi ngại về tính khách quan.



Luật sư NGUYỄN HẢI VÂN,Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Á (TP.HCM






Theo Thanh Tùng (Pháp luật TP HCM)






Theo nguoiduatin.vn