Cấp Giấy chứng nhận bào chữa “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”


Trong quá trình tổ chức khảo sát về thực trạng hành nghề của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự do Liên Đoàn Luật sư Việt Nam tiến hành, đã thu hút rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận đề cập đến những bất cập trong trong lĩnh vực tố tụng. Tại buổi hội thảo, không khí hội trường đã “nóng” lên khi hàng loạt khó khăn
của luật sư được đặt ra.






Phát pháo đầu tiên gây “tiếng vang” được nhiều hưởng ứng của các luật sư tham dự chính là thủ tục cấp Giấy chứng nhận bào chữa với nhiều giai đoạn thăng trầm, nhiêu khê đến mòn mỏi. Một luật sư chia sẻ ông đã mất thời gian 18 ngày với Viện Kiểm sát và 10 ngày với toà án để có giấy chứng nhận bào chữa (?). Một một luật sư khác bức xúc không kém: “ Thế là may mắn hơn tôi, trước khi cấp giấy chứng nhận bào chữa “họ” còn hoạch hoẹ nhiều yêu cầu không xác đáng và không đúng quy định của pháp
luật”.


Luật sư Hoàng Văn Sơn ý kiến : Luật quy định giấy chứng nhận bào chữa chỉ được cấp sau khi vụ án bị khởi tố. Vậy ở giai đoạn tạm giữ hoặc chưa có quyết định tạm giữ (giai đoạn tiền tố tụng) thì sao ? Khi xuất hiện ở giai đoạn này, Cơ quan điều tra đã từng phát biểu với ông “luật sư bào chữa thì ra toà án !”. Luật sư Sơn tiếp
tục đặt vấn đề: Đối với giai đoạn “hậu tố tụng”, khi có quyết định đình chỉ hoặc không khởi tố vụ án, “Ai” sẽ cấp giấy chứng nhận bào chữa? Trong trường hợp này, Luật sư lại càng cần phải được tham gia, tiếp cận hồ sơ để làm rõ bản chất vụ án, nhắm xác định quyết định đình chỉ hoặc không khởi tố có đúng quy định pháp luật chưa.


Gian nan con đường tố tụng


Trong thời gian tạm giữ thường không có luật sư tham gia và sau đó bị can cũng thường nói “bị ép cung”. Thực ra, nếu có luật sư có thể cách lấy cung cũng sẽ có “diễn biến” khác. Từ ý kiến này, nhiều Luật sư cũng tỏ ra khá bức xúc về câu chuyện dài hơi của vấn đề “cải cách tư pháp” và “pháp chế Xã hội chủ nghĩa”. Theo phần lớn các ý kiến, luật sư hành nghề cũng phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ pháp chế Xã hội chủ
nghĩa, nên quá trình tham gia tố tụng của luật sư từ giai đoạn điều tra là hết sức cần thiết. Ngay từ khi Công an lập biên bản với người bị bắt quả tang đã cần phải xác định yêu cầu Luật sư. Nhiều Luật sư phản ảnh: “Thực tế,người thân còn bị hạn chế tiếp xúc đừng nói chi Luật sư. Có nhất thiết buộc phải có yêu cầu Luật sư bằng văn bản của bị can, người bị tạm giữ ? Luật cần làm rõ quy định điều kiện để Luật sư tiếp cận thân chủ của mình”.


Một Luật sư bức xúc: “Nâng tầm Luật sư, nhưng lại không tuân thủ những điều pháp luật quy định để thực hiện quyền của Luật sư ? Nên chăng cần xem lại văn hoá ứng xử của cán bộ tố tụng đối với Luật sư.” Một số Luật sư cho rằng “ không phải các cán bộ tiến hành tố tụng không nắm rõ pháp luật, nguyên nhân thuộc về ý thức chủ quan của họ trong việc thực thi pháp luật”.


Phản ảnh về thái độ thiếu khách quan của Hội đồng xét xử, một Luật sư cho hay, khi Luật sư trình bày sự mâu thuẫn chứng cứ trong hồ sơ, chỉ được Hội đồng xét xử “ghi nhận” , đối với các câu hỏi Luật sư cần làm rõ tại toà cũng bị Hội đồng xét xử cắt ngang hoặc ngắt lời “ Hỏi rồi Luật sư không cần hỏi lại”. Phần lớn các Luật sư đều phản ảnh việc toà án phủ nhận ý kiến Luật sư mà không giải thích thoả đáng và đề nghị “Cơ quan tiến hành tố tụng cần nên xem xét thấu đáo các kiến nghị của Luật sư
hoặc phải giải thích rõ ràng nếu không chấp nhận” hoặc “Phải lưu các ý kiến pháp lý, văn bản kiến nghị của Luật sư vào hồ sơ tố tụng để sau này có cơ sở đối chiếu”. Các Luật sư cũng trăn trở chia sẻ về việc Luật sư đang bị “vô hiệu hoá” khi hành nghề, không chỉ trong giai đoạn điều tra, ngay cả vị trí ngồi tại phiên toà đến các chứng cứ do Luật sư thu thập cũng đều bị hạn chế tối đa.


Theo Luật sư Trần Thị Phụng (Đoàn luật sư TP HCM)


Nguồn: cổng thông tin Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh






Theo nguoiduatin.vn