Làm sao “nổ súng” vào... tổ chức?


Theo TS. Dương Mạnh Hùng, một nguyên tắc cơ bản và bất di bất dịch đó là Nghị định chỉ được phép cụ thể và chi tiết hóa luật, tránh không được cụ thể hóa, chi tiết hóa những gì trái với nội dung, tinh thần mà luật đã đề cập hoặc tự thêm bớt, thay đổi các nội dung mà trước đó luật không đề cập đến. Về các hành vi chống người THCV nêu trong dự thảo, ông Hùng cho rằng có nhiều nội dung trái luật, phạm vi điều chỉnh quá rộng.










Sự chuẩn mực và thân thiện của người THCV sẽ làm giảm hành vi chống đối.





Ông nói, hành vi luôn gắn với con người cụ thể, nhưng trong dự thảo Nghị định đưa chủ thể là 'tổ chức' là không đúng về pháp lý, Bộ luật Hình sự (BLHS) cũng không nói đến “tổ chức” có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Không lẽ “tổ chức” có các hành vi như Nghị định nêu thì người THCV làm sao mà dùng công cụ hỗ trợ để chống trả vào 'tổ chức' được?.


Hay các hành vi như: “coi thường pháp luật”, “không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người THCV' chưa chắc đã là hành vi của tội “Chống người THCV”. Do đó không nên và không thể cụ thể hóa hành vi và cho đó là chống người THCV. Như vậy, hành vi 'coi thường pháp luật' quá rộng nên dễ bị vận dụng, xử lý tùy tiện.


Các hành vi khác được đưa ra trong dự thảo, như: 'Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ; xâm hại tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của lực lượng THCV', theo TS. Hùng cần được chỉnh sửa vì nó đã được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 93 BLHS về tội “Giết người”; Điểm b Khoản 2 Điều 103 về tội “Đe dọa giết người”; xâm hại sức khỏe quy định tại Điểm k Khoản 1 Điều
104 BLHS về tội “Cố ý gây thương tích”; xâm hại tài sản của người THCV lại được quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 143 BLHS về tội “Hủy hoại tài sản”.


Ngoài ra, TS. Hùng cho biết, tại Điều 257 BLHS về tội “Chống người THCV” đã có quy định dùng thủ đoạn khác cản trở người THCV cũng phạm tội chống người THCV. Ở dự thảo đáng ra cần nêu cụ thể “thủ đoạn khác” bao gồm những thủ đoạn, hành vi nào nhưng thay vì làm việc đó, dự thảo lại thay bằng cụm từ 'Các hành vi khác nhằm chống người THCV'.


Việc này không cụ thể hóa được luật mà còn làm nẩy sinh một số thuật ngữ khác gây khó hiểu cho người thực thi công vụ.


Cần nhấn mạnh yếu tố phòng ngừa


Một điểm đang gây tranh cãi ở Dự thảo này là làm thế nào để xác định đối tượng đang có hành vi “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” để người THCV phải nổ súng ngăn chặn hành vi đó. Khi gặp đối tượng, trong khoảnh khắc nhất định, người thi hành công vụ liệu có thể phân định được một cách chính xác để phân biệt thế nào là tội ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng để quyết định chỉ khống chế, bắt giữ hay là nổ súng trực tiếp vào đối
tượng có hành vi chống đối?.


Về việc này, ông Hùng cho rằng, Khoản 2 Điều 8 BLHS cũng đã có quy định: Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.


Việc Dự thảo Nghị định do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đề cập 'Trong trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...”, theo TS. Hùng là nên xem lại, vì đây là việc phân loại tội phạm, đưa vào sẽ rất phức tạp, khó hiểu, dễ tranh cãi, dễ hiểu lầm và không thuộc phạm
vi điều chỉnh của Nghị định.


Cũng theo vị này, một điều rất dễ nhìn thấy trong dự thảo Nghị định nói trên là nó chưa làm rõ và chưa nhấn mạnh đến tiêu chí phòng ngừa, trong khi lại quá nhấn mạnh đến ý chí ngăn chặn, xử lý đối với người vi phạm - khiến dư luận cảm thấy lo ngại.


Đơn cử, Dự thảo Nghị định này viết: 'Người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. '.


“Nội dung này cần phải cụ thể hóa và căn cứ cả về từ ngữ, nội dung của Điều 15 về Phòng vệ chính đáng trong BLHS để thể hiện cho chính xác và thống nhất. Việc cho dùng súng bắn trực tiếp vào người, vào phương tiện theo như dự thảo e rằng lại làm cho những người thi hành công vụ vô hình trung lại có thể phạm các tội quy định tại điều 106 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng) và điều 107 (Tội gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ) của BLHS. Các cụm từ như: tấn công, vô hiệu hóa... không phải từ hoặc văn phong dùng trong Nghị định của Chính phủ”, TS Hùng cảnh báo.


Theo Võ Tuấn (Pháp luật Việt Nam)






Theo nguoiduatin.vn