Tháng 12/2011, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế TOC (chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia) cùng với 147 quốc gia, tổ chức khác. Cùng với công ước này, Việt Nam cũng đã tham gia ba nghị định thư về chống buôn bán người, chống đưa người di cư trái phép và chống sản xuất, buôn bán vũ khí trái phép.


Tại một hội thảo góp ý sửa đổi Bộ luật hình sự mới đây, tiến sĩ Trần Văn Dũng (Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp) nhận xét, Bộ luật hình sự hiện hành đã hình sự hóa khá nhiều nội dung Công ước TOC yêu cầu nhưng vẫn còn chưa đầy đủ.


Cụ thể, Bộ luật không quy định chế định tổ chức tội phạm, chỉ có quy định về đồng phạm và chưa đáp ứng được yêu cầu của Công ước TOC. Lý do là còn có ý kiến cho rằng ở xã hội ta chưa tồn tại hình thức tổ chức tội phạm theo kiểu “xã hội đen” nên chưa cần quy định, chỉ cần dùng chế định đồng phạm là có thể giải quyết được tình trạng tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, theo ông Dũng, đây là lý luận thiếu thực tế, chưa
khách quan nên cần bổ sung vào luật.


Cạnh đó, Điều 6 Công ước TOC yêu cầu các nước thành viên tham gia phải xem hành vi chiếm giữ tài sản mà tại thời điểm chiếm giữ biết rõ là tài sản do phạm tội mà có là hành vi rửa tiền và phải hình sự hóa. Trong khi đó, Điều 251 Bộ luật hình sự (tội Rửa tiền) không bao hàm hành vi này mà lại quy định có thể xử lý ở một tội khác với một số dấu hiệu bổ sung như tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.











Người dân đang theo dõi một phiên xử tham nhũng có liên quan đến công ty nước ngoài tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD





Cũng theo ông Dũng, việc hình sự hóa các hành vi tham nhũng trong Bộ luật hình sự cũng chưa bao hàm hết các yêu cầu của Công ước TOC. Theo Điều 8 Công ước TOC, khái niệm “của hối lộ” bao gồm cả mối lợi không chính đáng (gồm cả lợi ích vật chất và phi vật chất) trong khi Bộ luật chỉ xác định là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Mặt khác, Bộ luật chưa hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng.


Liên quan đến các tội cản trở công lý, tiến sĩ Dũng đánh giá hầu hết các nội dung Công ước TOC yêu cầu thì Bộ luật hình sự đã quy định nhưng vẫn còn có hai điểm khác biệt: Bộ luật quy định dấu hiệu định tội là phải gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời người ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật phải là người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, theo Công ước TOC, bất cứ ai ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật thì đều phạm tội mà không cần phải gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó,
tiến sĩ Dũng cho rằng phải nghiên cứu sửa đổi Bộ luật để bổ sung hai điểm trên.


Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên yêu cầu các nước tham gia phải hình sự hóa 11 hành vi, trong khi đó Bộ luật mới chỉ quy định được một số. Chẳng hạn, công ước này yêu cầu xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp (Điều 20), biển thủ tài sản trong khu vực tư (Điều 22), che giấu tài sản (Điều 24)…


Theo một thẩm phán TAND TP HCM, Bộ luật hình sự chưa quy định hành vi hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công. Về mặt pháp lý họ là người nước ngoài nhưng có đặc điểm là có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, khi có người đưa hối lộ cho họ nhằm mục đích như khi đưa cho công chức của Nhà nước thì cũng phải coi là tội phạm.


Ngoài ra, Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tham nhũng cũng yêu cầu các nước thành viên phải xử lý hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư. Trong các hội thảo, đã có nhiều ý kiến đề xuất nước ta nên thực hiện để phù hợp với xu hướng hội nhập (nhiều nước khác đã quy định, áp dụng). Bởi lẽ khi các mô hình kinh tế thuộc sở hữu tư nhân ngày càng đa dạng, ngày càng khẳng định vị thế thì ngày càng có nhiều người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản như trong thiết chế kinh tế
nhà nước.


Về xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân, luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng phải nghiên cứu đưa vào Bộ luật hình sự. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều các doanh nghiệp, tổ chức vì lợi ích của mình mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội như xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Khi bị phát hiện, doanh nghiệp, tổ chức chỉ bị phạt, vụ nào nghiêm trọng lắm
thì phải hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị thiệt hại, bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nên mức răn đe không cao.





Đến nay, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước trong lĩnh vực hình sự: Năm 2000 Việt Nam tham gia Công ước Phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước Palermo). Năm 2009 tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Năm 2011 gia nhập
Công ước quốc tế về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC).Ngoài ra, Việt Nam còn phê chuẩn và là thành viên của các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố, buôn bán người, rửa tiền…






Theo Pháp luật TP HCM






Theo nguoiduatin.vn