Thông tư số 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an (Thông tư 11) nhằm hướng thực hiện một số nội dung của Nghị định 34/2010/NĐ-CP và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 15/4/2013 nhưng người dân ngỡ ngàng với quy định lạ lùng trong văn bản hướng dẫn này.










Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet





Thêm một loại giấy chứng nhận?


Tại Điều 6 Thông tư 11 quy định: “Tại thời điểm kiểm soát, người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy đăng ký xe; giấy phép lái xe; bằng ( hoặc chứng chỉ) điều khiển; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà người đó trình bày là có nhưng không mang theo thì lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy tờ theo qui định; tạm giữ phương tiện theo qui định”. Như vậy, người điều khiển xe máy phải có ít nhất 3 loại giấy tờ bắt buộc, gồm: Đăng ký,
giấy phép lái xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.


Ngay sau khi văn bản này có hiệu lực, người dân hết sức bất ngờ vì họ hoàn toàn không biết giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là loại giấy tờ gì, ở đâu ra, sao lâu nay không thấy cấp?.


Chị Nguyễn Mai Liên ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) thắc mắc: “Tôi đi xe máy hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ được cấp, chưa hề thấy giấy giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mặt mũi thế nào. Sao bây giờ lại phạt nếu không có loại giấy tờ này”.


Chung băn khoăn, lo lắng đó, ông Phạm Minh Kiên ở Tây Hồ cho rằng: “Có lẽ, bây giờ, tôi và tất thảy những người đi xe máy mới nghe lần đầu đến giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường . Tôi muốn biết ai cấp, cấp ở đâu, điều kiện để được cấp. Nhưng theo tôi biết, hiện tại các tỉnh cũng mới chỉ có Trung tâm kiểm định chất lượng cho các ô tô, còn xe máy thì chưa có'.


Có người còn “lôi” cả những văn bản liên quan để đối chiếu và phát hiện ra thông tư 11 nói trên” vênh” với văn bản qui định thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. “Theo Thông tư số 22 ngày 6/10/2009 của Bộ GTVT thì việc kiểm tra định kỳ, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới không áp dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy. vậy người tham gia giao thông thực hiện theo văn bản nào đây?” - ông Trần Văn Hiệp ở
Hà Đông nói.


Ngoài ra, Điều 6 Thông tư 11 ghi rõ là hướng dẫn Điểm b, điểm c Khoản 2 Điều 24 Nghị định 34, nhưng các điều khoản của nghị định 34 lại không hề đề cập đến giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, mà chỉ qui định xử phạt nếu người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe; Người điều khiển xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe.


Cần giải thích rõ ràng


Vậy quy định lạ lùng này ở đâu ra?. Một cán bộ Vụ Pháp chế ( Bộ Công an), vị này cho biết, đó là do sai sót kỹ thuật : “Lẽ ra, cần có thêm chữ “nếu có” vào ngay sau cụm từ “giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” nhưng người làm luật đã để quên. Hiện tại, chúng ta chưa yêu cầu kiểm định an toàn kỹ thuật môi trường đối với xe máy nhưng tương lai sẽ áp dụng nên văn bản qui định trước để chờ thực hiện”.


Giải thích trên chưa phải là “đính chính” chính thức từ cơ quan ban hành nhưng dư luận tin đúng. Bởi vì, Thông tư 11 không chỉ duy nhất một lỗi tai hại nói trên mà còn rất nhiều lỗi kỹ thuật nghiêm trọng khác, như PLVN số 68 ra ngày 9/3/2013 đã “nhặt sạn”. Theo đó, ngày ban hành Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ bị ghi sai; một số Điều của Thông tư ghi rõ hướng dẫn điều khoản cụ thể của Nghị định 34 nhưng khi mở Nghị
định 34 ra thì không hề có điều khoản ấy. Sau khi phát hiện những sai sót nói trên, PV đã liên lạc với lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Công an mong được giải thích rõ ràng nhưng đã không được trả lời ngay và yêu cầu có văn bản gửi qua Vụ Pháp chế.


Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết, thông tư 11 đã được phổ biến đến công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có hiệu lực từ ngày 15/4.


Thông tư đã có hiệu lực nhưng cơ quan ban hành là Bộ Công an hiện vẫn chưa có giải thích về những sai sót này, cũng như chưa có hướng xử lý. Theo một số chuyên gia luật thì cơ quan ban hành sai văn bản cần sửa và trình ký ban hành lại với số ký hiệu và ngày ký phải y chang như cũ. Nhưng nếu vậy thì người dân biết đâu là bản “xịn”, đâu là bản lỗi để tra cứu, áp dụng?.


Theo Hà Linh (Pháp luật Việt Nam)






Theo nguoiduatin.vn