Thời gian qua, tại địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều đường dây mua bán, kinh doanh các loại chứng chỉ, chứng nhận giả núp bóng dưới dạng công ty 'ma'. Ông đánh giá như thế nào về việc này?


Trước hết, về mặt quản lý doanh nghiệp, nếu không có giấy phép, trụ sở kinh doanh thì sẽ không được công nhận là công ty. Vậy thì những hình thức tồn tại này cần được xem là nhóm tội phạm giấu mặt, hoạt động có tổ chức. Tất cả các hành vi như trá hình qua số điện thoại rác, qua quảng cáo trên internet khi phát hiện và xác minh có hành vi phạm tội... đều cần được xử lý về mặt pháp luật hình sự theo một quy
trình tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng.


Nhưng việc xử phạt của cơ quan chức năng chưa thật sự hiệu quả?


Thực chất, tôi nghĩ cơ quan chức năng đều biết rõ loại tội phạm này. Tuy nhiên có thể thiếu hụt về mặt nhân lực khiến cho việc phát hiện và xử lý tội phạm này chưa được triệt để. Đơn cử cho ví dụ này ta có thể thấy mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả. Song cứ hết nhóm này bị bắt, nhóm khác lại 'mọc' ra. Điều này cho thấy, chúng ta
còn thiếu về nhân sự để kiểm tra, phát hiện và xử lý. Để triệt phá chúng, cần thành lập một đơn vị chức năng chuyên trách thực hiện việc kiểm tra, giám sát và phát hiện loại tội phạm này. Chỉ cần Nhà nước thành lập một cơ quan này thì các hoạt động tội phạm loại này cũng sẽ dần dần bị thu hẹp và tự triệt tiêu.






Luật sư Nông Minh Đức.


Thực tế hiện nay cho thấy nhiều tân cử nhân mới ra trường tìm đến các đường dây buôn bán chứng chỉ, bằng cấp giả trên để làm đẹp hồ sơ xin việc. Hành vi trên có vi phạm pháp luật không thưa ông?


Người có nhu cầu làm giả văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận và người cung cấp văn bằng giả (dù vô tình hay cố ý) đều là những đồng phạm tham gia vào một hành vi vi phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 267 Bộ Luật hình sự. Điều luật này quy định mức hình phạt đối với tội này cao nhất là bảy năm tù.


Khi cơ quan tuyển dụng phát hiện hồ sơ có chứng chỉ, chứng nhận giả. Cơ quan này có quyền tố giác không? Nếu có, cá nhân trên sẽ chịu mức phạt như thế nào?


Theo quy định tại điều 25 Bộ Luật tố tụng hình sự thì mọi cá nhân, tổ chức khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự để có quyền tố giác hành vi phạm tội, tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Mức hình phạt được quy định tại điều 267 BLHS..


Ông có thể đưa ra một số giải pháp để hạn chế, triệt tiêu tình trạng mua bán, làm chứng chỉ giả của các loại công ty 'ma' trên?


Về sơ bộ ta có thể thiết lập quy trình quản lý văn bằng như sau. 1.Tất cả các bằng cấp, chứng chỉ thuộc hệ thống quản lý của bộ GD&ĐT khi cấp cho cá nhân đều được đơn vị cấp văn bằng báo cáo về cơ quan quản lý văn bằng để cơ quan quản lý văn bằng thực hiện chế độ lưu giữ thông tin, phục vụ chế độ số hóa đối với phần mềm quản lý văn bằng, chứng chỉ. 2. Khi đơn vị tuyển dụng lao động tiếp nhận hồ sơ, đơn vị tuyển dụng thực hiện tra cứu số văn bằng chứng chỉ trên phần mền chuyên dụng của bộ
GD&ĐT để biết có hay không sự tồn tại của bằng cấp chứng chỉ đang có trong hồ sơ. 3. Sau khi tuyển dụng, đơn vị tuyển dụng lập báo cáo lao động gửi về Phòng lao động thương binh xã hội của quận (huyện) để đơn vị này kiểm tra lại trên phần mềm của bộ GD&ĐT thêm một lần nữa. Với hình thức trên ta có thể loại trừ được vấn nạn bằng cấp
chứng chỉ, chứng nhận giả. Đặc biệt là vấn nạn văn bằng, chứng chỉ đại học giả tràn lan hiện nay.


Đối với loại tội phạm này thì quy định xử phạt của pháp luật sẽ như thế nào?


Khoản 1 Điều 267 Bộ Luật hình sự có quy định: Người nào làm giải con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu thuộc khoản 2 như phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì mức phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Khoản 3 gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trong thì bị phạt tù
từ 4 năm đến 7 năm. Khoản 4 quy định người phạm tội còn có thể bị phạt từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Với quy định này thì khi việc làm bằng cấp giả bị phát hiện người có yêu cầu làm giả hoặc người thực hiện hành vi làm giả đều được coi là đồng phạm trong việc thực hiện hành vi làm giả.


Xin cảm ơn ông!





Người xin việc không cần câu nệ hình thức hồ sơ, dịch vụ này sẽ hết đất sống

'Các tân sinh viên khi vào trường đại học, cao đẳng cần được thầy cô truyền thụ kiến thức pháp luật đối với những hành vi khả dĩ có thể xảy ra khi sinh viên ra trường tham gia vào việc thực hiện hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận. Ý thức của cá nhân là ý thức quyết định cho việc tồn tại hay không tồn tại loại hình tội phạm này. Thử hỏi mỗi sinh viên nhìn nhận việc này là hành vi vi phạm pháp luật, không cần câu nệ vào hình thức hồ sơ, tự tin vào quá trình tích luỹ kiến
thức của mình, thì bản thân các sinh viên này đã tự tránh được một cạm bẫy nguy hiểm đầu tiên trên con đường đời về sau. Đương nhiên, khi đó dịch vụ 'ma' này hết đất sống' - Luật sư Đức nhấn mạnh.






Hà Nguyễn






Theo nguoiduatin.vn