Đọc thêm: >>Quyền con người không còn 'nằm' trong quyền công dân


Ngoài việc sửa đổi các quy định cũ, Ban soạn thảo đã xây dựng thêm một số điều luật mới. Những quy định của Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi về quyền con người và quyền công dân cũng được nhiều ý kiến quan tâm, góp ý. Sự tán thành hay những đề nghị tiếp tục sửa đổi các quy định về quyền con người và quyền công dân để nội dung này của Hiếp pháp trở nên “hoàn hảo” vẫn đang diễn ra theo chiều hướng tích cực.


PLVN có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú - Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Bắc Giang - về những vấn đề cần được cơ quan soạn thảo quan tâm khi xây dựng các quy định về quyền công dân trong Hiến pháp.










Luật sư Nguyễn Văn Tú





Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về các quy định về quyền con người và quyền công dân của của dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi?


- Quy định về quyền con người và quyền, nghĩa vụ của công dân trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi có rất nhiều điểm mới. Dự thảo lần này là lần đầu tiên Hiến pháp nước ta đề cập đến quyền con người. Nói cách khác, đây là lần đầu tiên hiến định quyền con người trong lịch sử lập hiến nước ta cho dù quyền con người vẫn được bảo vệ bằng các quy định khác của Hiến pháp và hệ thống pháp luật.


Tôi cho rằng, với quy định mới này thì dự thảo Hiến pháp đánh dấu một bước phát triển trong lịch sử lập hiến nước ta, tạo tiền đề để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền.


Vậy theo ông, những quy định về quyền con người trong Dự thảo Hiến pháp đã phù hợp chưa, cần sửa đổi, bổ sung những nội dung nào cho phù hợp với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa?


- Theo tôi, việc xây dựng các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp là rất cần thiết vì Hiến pháp vốn là tập hợp các nguyên tắc chính trị quan trọng xác định mối quan hệ giữa Nhà nước và chủ thể của quyền lực nhà nước (công dân). Trong đó, Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tránh sự xâm phạm từ chính Nhà nước và bảo vệ quyền con người, quyền công dân tránh khỏi sự xâm phạm từ các tổ chức, cá nhân khác.


Nguyên tắc trên đòi hỏi cần phải thực hiện tốt kỹ thuật lập hiến, nói cách khác việc hiến định quyền nào cần phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng để đảm bảo tính hợp lý và khả thi. Trong dự thảo Hiến pháp, tôi thấy còn nhiều quy định về quyền con người, quyền công dân chưa hợp lý, cần thiết phải nghiên cứu để viết lại cho phù hợp, như quy định “Mọi người có quyền sống” tại Điều 21 của Dự thảo.


Về quy định này, theo tôi, quyền sống là quyền tự nhiên mà tạo hóa sinh ra ai cũng đương nhiên có, cũng như quyền ăn, mặc, vệ sinh cá nhân. Do đó, đối với các quyền tự nhiên của con người thì Hiến pháp chỉ cần ghi nhận có tính nguyên tắc và xác định nghĩa vụ của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người là đầy đủ.


Chương về quyền con người và quyền công dân của dự thảo Hiến pháp sửa đổi có 37 điều với nhiều điều mới, nhiều nội dung được bổ sung. Theo ông, quy định như vậy có quá nhiều?


- Thực ra, tôi thấy như vậy là nhiều nhưng lại chưa đủ. Nếu so sánh với hiến pháp một số nước khác có nền pháp luật tiên tiến thì số điều trong Dự thảo là nhiều. Nhưng, tôi thấy nhiều quy định chưa thực sự cần quy định trong Hiến pháp mà chỉ cần quy định trong các luật liên quan là đủ. Bên cạnh đó, cần hiến định một số quyền khác của công dân.


Như tôi nói, Hiến pháp bảo vệ quyền con người, quyền công dân trước sự lạm quyền của Nhà nước. Nghĩa là, ghi nhận quyền con người, quyền công dân đồng nghĩa với việc Nhà nước phải bảo vệ quyền đó bằng pháp luật, không để quyền đó bị xâm phạm. Do đó, chỉ nên quy định các quyền cơ bản, dễ bị xâm phạm từ phía Nhà nước là đủ.


Ví dụ, quyền kết hôn, ly hôn là quyền tự nhiên thì không nên quy định trong Hiến pháp, chỉ nên quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình vì quyền này hiếm khi bị xâm phạm từ phía cơ quan công quyền. Nhưng, quyền im lặng thì khác. Hiện nay, trong quá trình điều tra các bị can, bị cáo luôn bị ép phải khai báo và được giải thích là “có nghĩa
vụ phải khai báo” trong khi thực chất việc im lặng là quyền tự nhiên của con người để bảo vệ mình, đó là quyền tự vệ trước sự tấn công về mặt pháp lý từ phía Nhà nước. Do đó, cần phải hiến định quyền im lặng để tránh việc truy bức, ép cung.


Trong Nhà nước pháp quyền, mọi hành vi của công dân hay cơ quan nhà nước đều phải tuân theo pháp luật. Vì thế, chỉ cần hiến định các quyền cơ bản của công dân mà dễ bị tổn thương do sự lạm quyền từ phía công chức nhà nước gây ra. Như vậy, không cần quy định nhiều cũng sẽ vẫn đủ để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.


Xin cảm ơn ông!


Theo Bình Minh(Pháp luật Việt Nam)






Theo nguoiduatin.vn