Phải chăng giữa luật và thực tế cuộc sống đang có một sự vênh nhau?












Một lễ cưới theo phong tục truyền thống






Cách 5 đời vẫn không lấy được nhau vì đảo lộn thứ bậc



Câu chuyện xảy ra tại huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Anh Nguyễn Anh T. có người yêu đã được hơn hai năm và quyết định đưa về giới thiệu gia đình, tính chuyện lâu dài. Thế nhưng, sau khi gặp mặt cô gái, hỏi chuyện gia đình, ông bà, cha mẹ anh T. đã yêu cầu con trai chấm dứt mối quan hệ này vì… loạn luân, theo như cách nghĩ của họ.



Sự thật đằng sau sự cấm cản này là, anh T. và bạn gái có quan hệ bà con với nhau. Cụ thể, ông cố của anh T. là em trai của ông cố bạn gái anh. Như vậy, tính theo đời thì anh T. và bạn gái đã thuộc đời thứ 5 (tính từ người sinh ra ông cố-ông cố-ông nội-cha-anh T.) và có thể kết hôn vì không vi phạm luật hôn nhân gia đình. Nhưng nếu tính theo phả hệ họ hàng thì vì là chắt của ông cố hàng trên nên đúng theo tôn ti trật tự anh T. phải gọi bạn gái mình bằng… chị. Như vậy, việc kết hôn của họ sẽ là
đảo lộn trật tự, thứ bậc họ hàng nên không được chấp nhận.



Tưởng ít nhưng trong thực tế, những khúc mắc về chuyện kết hôn giữa những người có họ diễn ra khá nhiều. Qua thông kê của các luật sư mảng hôn nhân gia đình, phần lớn câu hỏi xuất phát từ sự hiểu biết chưa rõ ràng về quy định của luật từ phía người dân, cũng như từ sự giải thích không thấu đáo của các văn bản hướng dẫn luật.



Có thể gặp rất nhiều những câu hỏi kiểu như: Em yêu và muốn tiến tới hôn nhân với một bạn gái nhưng khổ nỗi sau đó lại biết được em và người đó cùng một cụ, liệu chúng em có lấy được nhau không; hay em và cô ấy có quan hệ họ hàng, bà nội em và ông ngoại cô ấy là anh em ruột, về gốc thì em và cô ấy chung cụ ngoại, như vậy em và cô ấy có lấy nhau được không…



Cân nhắc lại quy định pháp luật?



Trong ba đạo luật về hôn nhân và gia đình đã và đang được thực thi ở Việt Nam, thì Luật HN&GĐ năm 1986 và năm 2000 có quy định cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Tuy nhiên, trên thực tế theo phân tích của TS Nguyễn Phương Lan, ĐH Luật Hà Nội có thể thấy rằng, mặc dù sau ba đời việc kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống với nhau sẽ không còn ảnh hưởng đến chất lượng
nòi giống, đến sức khỏe của thế hệ con cái được sinh ra nữa nhưng phong tục tập quán của vùng miền, dòng họ cũng vẫn rất khó chấp nhận việc kết hôn giữa những người cùng hàng ở đời thứ tư với nhau, cho dù họ không có cùng ông bà, tức là không cùng một gốc trong phạm vi ba đời.



Ví dụ, các chắt của cùng một cụ khó có thể được gia đình họ hàng cho lấy nhau dù họ không cùng ông bà hay việc kết hôn giữa cháu họ ở đời thứ tư với bác, cậu, chú, dì ở đời thứ ban có quan hệ bàng hệ mà không cùng gốc trong phạm vi ba đời cũng khó được chấp nhận vì sẽ làm đảo lộn thứ bậc trong gia đình.


Hiện nay, Luật HN&GĐ năm 2000 bắt đầu tiến trình lấy ý kiến để chuẩn bị sửa đổi bổ sung, tuy không “nóng” như nhiều vấn đề khác, nhưng “câu chuyện” về kết hôn giữa những người có quan hệ họ hàng cũng có nhiều quan điểm.



Một trong những quan điểm đó của TS Nguyễn Phương Lan là nên cân nhắc lại việc quy định cấm kết hôn giữa nhưng người có quan hệ họ hàng huyết thống theo hướng “mở” phạm vi cấm rộng hơn. Tức là nên cấm kết hôn trong phạm vi tới bốn đời vì phong tục, tập quán người dân đa số cho rằng quan hệ ba đời vẫn rất gần về mặt huyết thống và về mặt y học, nếu thế hệ cha mẹ càng xa bao nhiêu thì thế hệ con càng tiếp thu các mặt tích cực của cha mẹ bấy nhiêu và ngược lại.



Bên cạnh việc mở rộng phạm vi, cũng cần thêm quy định rõ việc kết hôn giữa những người có quan hệ họ hàng huyết thống không được làm đảo lộn thứ bậc gia đình để góp phần giữ gìn trật tự kỷ cương trong gia đình.



Đọc thêm >> Thuận tình ly hôn không qua Tòa: Tại sao không?



Theo Dương Nhi (Pháp Luật Việt Nam)







Theo nguoiduatin.vn