Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, Đỗ Anh Vũ là quan thái úy phụ chính thời Lý Anh Tông. Do vua Anh Tông lên ngôi lúc mới hai tuổi, chính sự trong nước vì thế mà uỷ cho Anh Vũ quyết đoán cả. Mặt khác, phụ hoàng của Lý Anh Tông là Lý Thần Tông mất lúc mới 22 tuổi, các hoàng hậu và phi tần chịu cảnh góa bụa lúc còn quá trẻ. Vì thế Đỗ Anh Vũ có cơ hội tư thông với các bà hoàng, gây chuyện dâm loạn trong cung đình.


Vì việc này mà một vụ án lớn đã xẩy ra vào năm Canh Ngọ (1150) khiến gần 30 người chịu cảnh máu chảy đầu rơi. Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, khi vua còn trẻ thơ, Đỗ Anh Vũ có quyền bính trong tay, được ra vào cung. Vì vậy, Anh Vũ có cơ hội tư thông với Lê thái hậu (mẹ vua). Cũng vì quan hệ bất chính với Thái hậu, quyền lực của Anh Vũ càng lớn, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất
hàm ra hiệu, mọi người không ai dám nói. Trước cảnh này, Quan điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Cát Đái, chức hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá với nhiều đại thần đã hợp mưu bắt giam Anh Vũ để xét xử theo phép nước. Đứng trước tội chết nhưng vì Thái hậu xót người tình tìm cách đút tiền cho quan lại xét xử và nói khéo vua chỉ xử Anh Vũ đi đày.


Trong thời gian Anh Vũ bị đi đày, Thái hậu lo buồn, cố nghĩ cách để phục hồi chức tước cho Anh Vũ. Bà Thái hậu bèn nghĩ cách mở hội lớn nhiều lần để vua ân xá cho tội nhân, mong rằng Anh Vũ cũng được dự vào đấy. Anh Vũ sau nhiều lần được ân xá tội lại được phục chức thái úy như cũ. Sau lần chết hụt này, Thái Vũ càng được Thái hậu tin dùng hơn, càng có cơ hội để làm oai làm phúc, sát hại mọi người, lúc nào sự thù hằn cũng
lộ rõ ra ngoài. Cũng vì mối thù với quan Vũ Cát Đái và nhiều đại thần từng hợp mưu bắt ông, nên Thái Vũ đã nghĩ kế để rửa hận. Anh Vũ tâu với vua rằng: 'Trước kia bọn Vũ Cát Đái tự tiện đem cấm quân xông vào tận cung đình (lần lập mưu bắt Anh Vũ), tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường trước được. Vua chẳng biết gì cả, bèn y lời tâu. Anh Vũ sai quân thân tín đi bắt bọn Vũ Cát Đái giam vào ngục để trị tội.


Những người tham gia vào việc bàn mưu bắt Anh Vũ xưa đều chịu án nặng. Trong đó, nội thị là bọn Đỗ Ất gồm 4 người bị cưỡi ngựa gỗ (đem đóng đinh lên ván, bêu ở chợ rồi sau mới tùng xẻo da thịt), bọn hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi gồm 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn điện tiền đô chỉ huy Vũ Cát Đái gồm 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông.


Luật nay: Sẽ bị truy cứu về tội giết người có tổ chức


Việc Đỗ Anh Vũ lợi dụng vua còn ít tuổi, nhận thức chưa chín chắn, ỷ thế làm to, tư thông với Thái hậu để chuyên quyền đã là hành vi đáng lên án. Đáng lẽ, với một người ở trình độ nhận thức cao, cùng với trách nhiệm lớn, Anh Vũ phải nhận thức được sai trái của mình. Đàng này, sau thời gian đi đày, ông này vẫn không chừa được nết cũ. Không chỉ thế, còn ủ mưu tính kế, ra sức lộng hành, lợi dụng quyền lực, xúi giục vua để trả thù cá nhân là hành vi đáng bị lên án. Trong việc này cho thấy, Đỗ Anh
Vũ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng vua ít tuổi (mới 14 tuổi) để giết hại gần 30 người.


Câu chuyện tuy xảy ra cách đây đã lâu, khi mà luật pháp chưa nghiêm, ý vua là tối thượng, nên hành vi lợi dụng vua, âm mưu tổ chức giết người của Đỗ Anh Vũ không bị cơ quan truy cứu trách nhiệm. Nhưng nếu như hành vi của Đỗ Anh Vũ rơi vào thời nay, ông này sẽ bị xử tội nặng. Theo Điều 93, BLHS, quy định, những ai giết nhiều người, giết người có tổ chức, vì động cơ đê hèn thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Chiếu theo luật này, Đỗ Anh Vũ sẽ phải chịu mức án cao nhất.


Trinh Phúc






Theo nguoiduatin.vn