Cán bộ đánh dân gồm nhiều loại, phổ biến nhất là loại dân phòng cầm gậy, rồi đến cảnh sát giao thông “quơ gậy” vô tình trúng mặt thiếu nữ đi xe máy phải vào viện cấp cứu, rồi đến công an viên cấp xã, rồi cả bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch xã cũng rất hăng hái trong việc đánh người.


Mới đây nhất là việc ông Chủ tịch xã ở một huyện của tỉnh Thừa Thiên – Huế đánh người. Ông không chỉ đánh một người mà đánh liên hoàn, thanh niên, ông già, thiếu nữ,… đánh tất, cán bộ xã cũng bị đánh. Phạm luật bị đánh đã đành, đằng này chỉ cổ vũ bóng đá cũng bị Chủ tịch xã đánh thì quả là chuyện lạ.






Nạn nhân trong một vụ bị công an xã đánh


Ngài Chủ tịch xã này đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với một thanh niên cổ vũ bóng đá làng quá nhiệt tình rồi nắm tóc anh này giao cho công an viên còng tay áp giải về trụ sở. Thấy ngang tai, trái mắt, ông Chủ tịch Hội cựu chiến binh can thiệp cũng bị ông Chủ tịch xã dùng mũ cối đánh luôn. Một thiếu nữ học lớp 8 phản ứng lập tức bị gã Chủ tịch – côn đồ đánh và bóp cổ.


Trước đó, đã có chuyện xảy ra ở Lâm Đồng. Một người dân tốt bụng, chuộc lại cái ví bị nất cắp có giấy tờ rồi gọi điện giao cho người bị mất. Thế mà, công dân gương mẫu đó bị vu cho là ăn cắp, bị đánh thê thảm. Sau đó, mới biết ông này tuy là dân nhưng là đảng viên lại vừa được công nhận là “Người có uy tín nhất trong cộng đồng dân tộc thiểu số”. Vì nhân thân tốt đến như vậy ông mới thoát khỏi bị còng và nguy cơ chết tại trụ sở là có thật.


Dẫn chứng còn nhiều nữa nhưng thế là quá đủ cho hội chứng đánh dân. Đã khoác lên người bộ đồng phục của Nhà nước, đã là cán bộ dù chỉ là cấp xã thì phải ứng xử đàng hoàng, xứng đáng là người đại diện chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Không thể đại diện cho một chính quyền như vậy mà giở thói côn đồ, xúc phạm đến thân thể con người, vốn là khách thể được bảo vệ của pháp luật Nước Cộng hòa XHCN Việt
Nam!


Theo Nhị Ngọc (Pháp luật Việt Nam)







Theo nguoiduatin.vn