Bởi người nhiễm HIV có đủ thành phần, từ trí thức cho đến các đối tượng từng vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy nỗi lo HIV luôn treo lơ lửng như mối hiểm họa có thể xảy ra với bất kỳ ai. Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Văn Hùng, trưởng khoa luật hình sự- Đại học luật Hà Nội.


Quan điểm của ông như thế nào trước vấn đề kỳ thị đối với những người lầm lỡ hoặc bị mắc bệnh xã hội?


Những nạn nhân nhiễm HIV, những người đã cai nghiện, đối tượng mãn hạn tù... nói chung họ đều là những nạn nhân của xã hội, họ rất cần sự chăm sóc và được đối xử bình đẳng. Đó là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Chống kỳ thị không chỉ có tuyên truyền mà còn phải đi đôi với hành động cụ thể. Tuy nhiên, trong một xã hội phát triển, sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề mà không thể có cơ quan, tổ chức hay một cá nhân nào có thể khẳng định: Sẽ điều chỉnh, khắc phục một cách kịp thời tất cả mọi vấn
đề mà xã hội phát sinh.






TS. Hoàng Văn Hùng - Trưởng khoa hình sự đại học luật Hà Nội.


Sự kỳ thị, thực tế khiến người bệnh chết nhanh hơn. Chính vì lẽ đó để chống kỳ thị, chống bị phân biệt đối xử, trách nhiệm trước tiên thuộc về từng cá nhân. Có ý kiến cho rằng, hiện tại những văn bản của Nhà nước đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Tuy nhiên, đó mới chỉ là nằm trên văn bản, thực tế những người nhiễm HIV, những người nghiện, mãn hạn tù vẫn bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?


Trước tiên phải phân biệt rõ nhóm đối tượng bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử. Đối với nhóm đối tượng nhiễm HIV, hiện nay Đảng và Nhà nước đã thành lập những trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí đối với những người nhiễm HIV. Luật phòng, chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) cũng đã quy định rõ về quyền của những bệnh nhân mắc phải căn bệnh xã hội nan y này.


Do vậy, người nhiễm HIV trước tiên phải tự bảo vệ mình, nhờ đến các cơ quan y tế để can thiệp. Hiện tại những người nhiễm HIV được làm một số các xét nghiệm miễn phí theo chương trình của dự án, được uống thuốc miễn phí. Chính bản thân từng người bị nhiễm HIV phải có ý thức, trách nhiệm trước cộng đồng và xã hội. Không thể đổ lỗi cho xã hội rằng: Tôi bị kỳ thị nên tôi đi bán dâm, hay trả thù đời. Nếu cá nhân nào làm việc đó, người đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm cả về mặt đạo đức.


Đối với nhóm đối tượng nghiện hút, mãn hạn tù hiện nay, Tổng cục VIII- bộ Công an cũng đã có chương trình tái hòa nhập cộng đồng dành cho những đối tượng đã mãn hạn tù, tổ chức các hoạt động về tái hòa nhập cộng đồng, để giảm thiểu động thái kỳ thị nhằm vào những đối tượng là nạn nhân của xã hội. Bên cạnh đó, trách nhiệm của địa phương về công ăn việc làm cho nguồn lao động nàỵ cũng đã có sự lưu ý. Tuy nhiên, về vấn đề này, Nhà nước dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn không kỳ thị, không được
phân biệt đối xử, song việc thực thi vẫn chưa thường xuyên, đồng bộ.


Ông có những lời khuyên gì đối với những người đang bị xã hội kỳ thị và làm sao để họ vượt qua được định kiến này?


Người nhiễm HIV có thể do lỗi khách quan, có thể do lỗi chính bản thân họ gây nên. Muốn chống bị kỳ thị, tự cá nhân phải khẳng định mình trước xã hội, đổ lỗi cho xã hội là không đúng.


Chủ trương của Nhà nước đối với những người mãn hạn tù, đã có những chính sách ưu tiên như: Vay vốn, hay những doanh nghiệp nào nhận những đối tượng trên đều nhận được sự ưu đãi từ phía Nhà nước. Tuy nhiên cần phải nói thẳng là, cho dù trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức có hỗ trợ đối với những người nhiễm HIV nói riêng và những đối tượng khác bị kỳ thị nói chung, trách nhiệm trước tiên vẫn thuộc về từng cá nhân người bị kỳ thị.


Tôi lấy ví dụ, nhiều đối tượng sau khi mãn hạn tù, nhiều người trong số họ đã lao động cống hiến hết mình, nhiều cá nhân đã trở thành những doanh nhân giỏi, đóng góp được rất nhiều cho xã hội. Vậy làm sao mà xã hội lại ghẻ lạnh hay kỳ thị họ được?


Xin cảm ơn ông!


Liễu Hải (Thực hiện)






Theo nguoiduatin.vn