<div style="text-align: justify;"><strong>Nhiều người cho rằng sách chỉ thực sự cần thiết cho những người “lắm chữ” thuộc ngành khoa học xã hội. Nhưng nhìn lại những nhà nỗi lạc, những tấm gương thành đạt ở mọi lĩnh vực mới thấy tinh thần tự học qua sách là điều không thể không nhắc tới. </strong><strong>Tại sao phải đọc sách?</strong><br>
Trong lời giới thiệu <em>Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh</em>, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện có viết: “Hiếu học và ham đọc sách là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay, truyền thống tốt đẹp đó đã góp phần hình thành trí tuệ, tâm hồn, nhân cách và phong thái con người việt Nam. Giở lại lịch sử, các nhà hoạt động chính trị và các học giả Việt Nam lỗi lạc đều là những con người không ngừng quan tâm đến việc đọc sách và tự học”.<br>
Còn Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện đưa ra nhận định: “Xét về bản chất, lịch sử văn minh nhân loại là lịch sử tiến hóa của tri thức do con người sáng tạo ra. Sự trưởng thành, phát triển tri thức, kinh nghiệm của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, nhân loại được phản ánh và ghi lại qua kho tàng tư liệu thành văn với từng trang sách, báo, tạp chí. Chính vì thế, sách báo luôn là người bạn đồng hành với con người trong quá trình sống và vươn tới sự hiểu biết”<br>
Và để đạt được điều đó, Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh, phải “Không ngừng học tập và tự học là phương thức hữu hiệu nhất. Từ cổ chí kim, sách luôn là công cụ, nền tảng cho con người tự học và hình thành tri thức”.<br>
Tại cuộc tọa đàm <em>Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh</em>, một câu hỏi được đặt ra là, trong bối cảnh hiện nay với khoảng 3,2 tỉ người trên toàn cầu dùng internet, và Việt Nam có khoảng 42% dân số sử dụng internet, tính trung bình số sách xuất bản trong năm 2015 tương ứng mỗi người có gần 3 cuốn, và trên 7 đầu báo... vậy thì việc đọc báo, đọc trên internet có được tính là văn hóa đọc không? Trả lời câu hỏi này, ông Mai Liêm Trực- nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc đọc báo và đọc trên mạng không thể thay thế việc đọc sách. Chỉ đọc sách mới rèn luyện tư duy, sự sáng tạo và sức tưởng tượng bên cạnh việc cung cấp thông tin. Đọc báo hay đọc trên internet phần nhiều chỉ là cung cấp thông tin.<br>
<strong>Những tấm gương ham đọc sách và tự học</strong><br>
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nói về tấm gương ham đọc sách của Bác Hồ: “Bằng sự nỗ lực không ngừng tự học, thông thái tinh hoa của nhân loại và dân tộc qua sách báo, Người đã tìm ra con đường đi cho Cách mạng Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới cho Đất nước, kỷ nguyên độc lập, tự do và hạnh phúc”.<br>
Trong cuốn sách <em>Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh</em><em>,</em> tác giả Vũ Dương Thúy Ngà đã dành nửa cuốn sách để nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với sách báo như thế nào. Từ khi còn nhỏ Người đã được cha dạy bảo “Học phải có sách”, “Việc đọc sách là đáng quý lắm, ngày nào chưa đọc mười trang sách là ngày đó nhịn đói nhịn khát”. Cùng với đó, tác giả đã mang đến cho độc giả “Quan điểm của Hồ Chủ tịch về vai trò, tác dụng của sách báo”, “Phương pháp đọc sách báo của Hồ Chủ tịch”, “Hồ Chủ tịch với việc hình thành nơi đọc sách cho nhân dân”...

<table align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" style="margin-right: 14px; margin-top: 2px; margin-bottom:10px">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
<tr>
<td style="text-align: center; "><em>Sách luôn là công cụ, nền tảng cho con người tự học và hình thành tri thức</em><span style="color: rgb(128, 0, 0);"><em><span lang="VI" style=""> </span></em></span></td>
</tr>
</tbody>
</table>
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một nhà quân sự tài ba, một vị tướng huyền thoại mà còn là người ham đọc sách từ nhỏ. Sự nghiệp cầm quân của đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu hoàn toàn bằng con đường tự học; tìm đến bách khoa thư và các sách có trong thư viện về quân sự, chiến tranh, vũ khí... Cuốn nào thiếu thì Võ Nguyên Giáp mượn và mua thêm.<br>
Sách không chỉ có ích với người làm chính trị, quân sự mà còn hữu ích với người làm khoa học như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Hoàng Tụy... Những tên tuổi này đều đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với những công trình khoa học có giá trị đóng góp cho đất nước.<br>
GS. Tạ Quang Bửu được ví như “Một thiên huyền thoại về tự học và ham đọc sách” hoặc “Một Lê Quý Đôn thời nay” luôn chú trọng đến việc đọc sách của cả thầy và trò. Là người hiểu biết sâu rộng về toán học, ông đã chỉ ra những tài liệu cần đọc để dạy tốt hơn. Hơn thế, Tạ Quang Bửu còn khuyến khích học sinh đọc sách văn học để nâng cao lòng ham thích sáng tạo.<br>
Ông “vua vũ khí” Trần Đại Nghĩa nhờ tự học, học hỏi qua nguồn tư liệu sách mà ông biết nhiều thứ tiếng và vốn hiểu biết để chế tạo vũ khí. Chiến công đầu tiên của ông là chế tạo thành công súng Bazooka loại súng bắn xe tăng đầu tiên do Việt Nam chế tạo.<br>
GS. Đào Duy Anh chú trọng tìm đến những tư liệu gốc kết hợp với điền dã. Ông để lại cho đời nhiều nghiên cứu, đóng góp trong nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Để dẫn đến mọi thành công của ông là tinh thần tự học, ham đọc sách, say mê nghiên cứu, tích lũy tri thức, luôn có ý thức tìm tòi, khám phá trong học thuật.<br>
Giáo sư- bác sĩ Tôn Thất Tùng với nhiều đóng góp to lớn cho nền y học Việt Nam. Nhìn lại về những thành công của ông, cuốn sách đã chỉ ra 5 điếm đáng chú ý, trong đó có tinh thần không ngừng học hỏi qua sách báo, tài liệu, đồng nghiệp, y tá. Ông từng nhận định: “Thư viện và phòng thí nghiệm là hai cơ cấu khi nào cũng phải có của một nhà trường".<br>
Nhà toán học Hoàng Tụy với hơn 170 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí toán học nổi tiếng trên thế giới. Hơn nữa ông đã đưa ra một số đề xuất nhằm cải cách và phát triển nền toán học, khoa học và giáo dục nước nhà. Và con đường để dẫn đến thành công của ông thật giản dị; Không ngừng học và luôn say mê đọc sách. Đọc sách đã trở thành nhu cầu hàng ngày của ông. Sách không chỉ bồi bổ về tri thức mà còn nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật và phương pháp tư duy.<br>
<u><strong><a href="http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/12/van-nghe/144095/sach-can-thiet-cho-nhung-ai.aspx"><span style="">Theo Tổ quốc </span></a></strong></u><br>
</div>

Theo cinet.vn

View more random threads: