<div style="text-align: justify;">
<table align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" style="margin-right: 14px; margin-top: 2px; margin-bottom:10px">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
</tbody>
</table>
(Cinet)- Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao là thần lửa. Đồng bào quan niệm rằng, ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ. Lễ hội nhảy lửa là một trong những nét văn hoá tinh tế và đặc sắc trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn.<br>
Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn đã được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào tối 17/4, thu hút đông đảo người dân và du khách. Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam (19/4) đang diễn ra tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).<br>
Mở đầu, thầy cúng thực hiện các nghi thức cúng lễ, gọi “sư thầy cùng quân binh” đến, nêu lên lý do tổ chức lễ hội nhảy lửa vì các học trò và muôn dân muốn được thưởng thức một lễ hội cầu lửa để xua đi tà ma, đem lại niềm vui cho con người, đem lại ấm no cho mọi nhà. Khi được các thần đồng ý, thầy cúng sai học trò đốt lửa; trong lúc đó thầy cúng tiếp tục gõ đàn pàn-dơ và lắc pà-sán-tẩu liên tục, miệng đọc các bài cúng với ý nghĩa mở đường lên trời tìm các vị thần về nhập vào các chàng thanh niên. Qua bài cúng và nhạc điệu của nhạc cụ, người Pà Thẻn cho rằng con đường đi tìm thần về nhảy lửa của thầy cúng lắm gian lao, vất vả, có khi còn phải đi qua hang quỷ rất nguy hiểm…do đó, thầy cúng phải là người cao tay, có nhiều phép thuật và quân binh.
<table align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" style="margin-top: 2px; margin-bottom:10px">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
</tbody>
</table>
Đến khi thân hình các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi lắc lại, ấy là lúc các thần đã nhập. Lúc này, với bàn chân trần, họ có thể lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy, thậm chí có người còn cho than vào mồm nhai. Trong lúc thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng, các chàng trai liên tục nhảy múa, vùng vẫy trong đống than hồng rực mà không hề cảm thấy sức nóng. Cứ thế, hội nhảy lửa kéo dài khoảng một giờ đồng hồ cho đến khi than tàn hẳn mới thôi.

<table align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" style="margin-top: 2px; margin-bottom:10px">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
</tbody>
</table>
Khi thầy cúng đọc bài cúng tiễn các vị thần về trời, cám ơn các vị thần đã xuống “góp vui” cho dân làng và cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng ấm no, mạnh khoẻ. Lúc này các học trò của thầy mới dần dần tỉnh táo trở lại. Điều kỳ lạ là họ không hề thấy đau và cũng không hề bị bỏng.

<table align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" style="margin-top: 2px; margin-bottom:10px">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
</tbody>
</table>
Lễ hội nhảy lửa là minh chứng cho sức mạnh trong cuộc sống và những ước mong chế ngự được thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người, có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống từ đời này sang đời khác.<br>
<span style="">Nguyên Hà (ảnh: CTV Nguyễn Dương)</span></div>

Theo cinet.vn