<div style="text-align: justify;">
<table align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" height="42" style="margin-right: 14px; margin-top: 2px; margin-bottom: 10px;" width="351">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
<tr>
<td style="text-align: center; "><span style="">Lễ cầu mưa và cầu mùa của đồng bào Ê Đê. (Ảnh: CTV Hà Tuấn)</span></td>
</tr>
</tbody>
</table>
(Cinet)- Trong khuôn khổ các hoạt động với chủ đề “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, từ ngày 25/3 đến ngày 27/3 đã tái hiện nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.<br>
* Sáng 25/3, giữa cái nắng vàng như rót mật, tiếng chiêng, tiếng trống trong lễ cầu an của dân tộc M’Nông vang lên rộn rã giữa khung cảnh thanh bình của ngôi nhà chung 54 dân tộc. Lễ cúng cổng bon làng (Bư brah mpêr bon) của người M’nông được tổ chức hàng năm vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 âm lịch, trước khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống. Lễ thường được tiến hành trong vòng 1 ngày, tại bên cổng ra vào bon làng. Mục đích của lễ cúng là để cầu xin các thần mưa gió, thần bão, thần dịch bệnh không gây tai họa cho bon làng trong suốt cả năm, từ đầu mùa mưa năm nay đến đầu mùa mưa năm sau.<br>
Trong không khí hơi se lạnh, già làng cùng nam thanh nữ tú trong bon và du khách vui vẻ thưởng thức hương rượu cần thơm ngọt giữa nhịp chiêng trầm ấm bồng bềnh. Khung cảnh thanh bình như đưa hồn ta về với dòng sông, con suối, về với núi rừng đại ngàn, thật thanh thản và bình yên, thật êm đềm và hạnh phúc...<br>
* Những nét văn hóa đặc sắc của Lễ hội mừng nhà Rông mới (Hnia k'lơh krôông) của người Giẻ Triêng được tái hiện một cách sinh động vào chiều ngày 25/3.<br>
Các nghệ nhân dân tộc Giẻ Triêng làng Đăk Gô (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đã truyền hơi thở nồng nàn của Đại ngàn Tây Nguyên trong từng điệu múa, nhịp chiêng, làm bừng lên một không gian văn hóa của dân tộc mình ngay giữa lòng Thủ đô.
<table align="center" border="1" cellpadding="1" cellspacing="1" style="width: 500px;">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
<tr>
<td style="text-align: center;"><em><span style="">Đồng bào Giẻ Triêng tái hiện lễ mừng nhà Rông mới. (Ảnh: CTV Khánh Vân)</span></em></td>
</tr>
</tbody>
</table>
Âm thanh tiếng cồng chiêng vang lên tạo nên một buổi nghi lễ mừng nhà Rông thực sự thiêng liêng, đặc sắc. Từ xưa, người Giẻ Triêng có tục du canh du cư, mỗi vùng đất chỉ ở từ 5 đến 7 mùa rẫy. Mỗi khi chọn đất lập làng, sau khi đã tế trời đất và cúng Giàng, việc đầu tiên người Giẻ Triêng làm là dựng nhà Rông. Nhà Rông là nơi hội họp sinh hoạt cộng đồng, giải quyết mọi vấn đề của cộng đồng. Sau khi dựng xong nhà Rông, tất cả cộng đồng người Giẻ Triêng lại cùng nhau chung tay góp sức dựng nhà cho mọi người. Việc làm này thể hiện tinh thần cộng đồng nhưng cũng là cách để những người nghèo nhất cũng có được mái nhà để nương thân.<br>
Lễ hội mừng nhà Rông mới của cộng đồng dân tộc Giẻ Triêng đã tạo được sự cuốn hút đối với đông đảo du khách. Những nụ cười rạng rỡ, ánh mắt nồng nàn của các thiếu nữ Giẻ Triêng như muốn níu chân du khách trong nhịp múa điệu chiêng và làm say đắm lòng người trong men rượu cần nồng đượm...<br>
* Lễ cầu mưa (Kăm mah) và cầu mùa (Kăm buh) là một trong những nghi lễ nông nghiệp của người Ê Đê, đánh dấu thời điểm một mùa rẫy mới với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hoà, nương rẫy tươi tốt, thóc lúa đầy kho đã được tái hiện sinh động vào sáng 26/3.<br>
Để chuẩn bị cho lễ cầu mưa và cầu mùa, chủ buôn (Khua buôn) cùng bà con trong buôn chọn một khoảng đất rộng, bằng phẳng, gần cây cổ thụ có nhiều tổ ong càng tốt. Vì theo quan niệm của người Ê Đê, đó là nơi đất tốt. Sau khi phát hoang nơi thực hiện nghi lễ, chủ buôn phân công mọi người tìm nơi đặt các loại bẫy một cách kín đáo.<br>
Trước bàn thờ cúng Yang, hoà cùng âm thanh của dàn chiêng là lời khấn của thầy cúng xin thần linh cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Lúc này bà con trong buôn cùng reo hò, thể hiện sự đồng tình và ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn bước vào mùa rẫy mới.<br>
Tiếp đó, chủ buôn cùng bà con thực hiện nghi thức gieo hạt. Trong lúc mọi người toả ra đi bắt tổ ong lấy mật và kiểm tra các bẫy đặt quanh rẫy, các chàng trai cầm khiên, cầm giáo múa một vòng quanh rẫy và đi về nhà chòi chặt đầu thần Ác với ý nghĩa trừ trà mà, đuổi thần Ác đi nơi khác.<br>
Khi các nghi thức của buổi lễ cầu mưa và cầu mùa khép lại, chủ buôn mời tất cả mọi người về nhà ăn thịt, uống rượu mừng một mùa rẫy mới sẽ mang no ấm về cho buôn làng.<br>
* Lễ cưới của dân tộc Gia Rai được tái hiện vào sáng 27/3. Theo tục lệ của người Gia Rai, hôn lễ được tổ chức tại khu đất rộng trước nhà Rông của buôn, nơi đặt cây nêu - cột mốc để nhà gái và nhà trai bày các thực phẩm mà nhà mình có như: rượu, gà sống, cơm lam… xung quanh bếp lửa để làm mâm cúng. Do vậy, cây nêu để làm lễ cưới cũng khác với cây nêu để tổ chức các lễ hội khác về tán cây, độ cao và đồ trang trí.<br>
Trước khi làm đám cưới, nhà gái sẽ tìm ông mối làm mai với người con trai mà cô gái đã ưng trước đó. Nếu người con trai đó đồng ý thì nhà gái sẽ trao “vòng tay cầu hôn” cho người con trai và hai bên sẽ chọn ngày cưới.<br>
Tất cả các vị khách được mời hay không được mời đều được tham gia lễ cưới. Họ sẽ mang rượu, gà… để đến chung vui với hai gia đình, cùng tham gia các hoạt động nhảy múa và cồng chiêng, ăn uống suốt trong thời gian diễn ra đám cưới.<br>
* Được tái hiện chiều ngày 27/3, lễ “ăn lúa mới” của đồng bào Xê Đăng do các nghệ nhân làng Mô Bành I - xã Đak Na - huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum thực hiện. Thông thường, lễ hội “ăn lúa mới” của người Xê Đăng, nhánh Xơ Teng chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là ăn lúa mới tại mỗi gia đình (Kapaneo) và giai đoạn hai là uống rượu mừng lúa mới tại nhà cộng đồng của làng.
<table align="center" border="1" cellpadding="1" cellspacing="1" style="width: 500px;">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
<tr>
<td style="text-align: center;"><em><span style="">Giã gạo chuẩn bị cho lễ “ăn lúa mới” của người Xê Đăng. (Ảnh: CTV Phạm Hường)</span></em></td>
</tr>
</tbody>
</table>
Lễ “ăn lúa mới” đã thu hút đông đảo du khách với nhiều cảm nhận khác nhau. Riêng với đồng bào Xê Đăng, nhánh Xơ Teng, được tái hiện những lễ hội, phong tục độc đáo của dân tộc mình giới thiệu tới nhân dân Thủ đô và du khách, không chỉ là niềm vui, niềm tự hào, mà hơn thế còn là để được cầu mong cho năm mới, mùa lúa mới bội thu, cho đời sống người Xê Đăng nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung được no ấm.<br>
<span style="">Nguyên Hà (Tổng hợp)</span><br>
<br>
</div>

Theo cinet.vn

View more random threads: